Mục đích ban đầu của các nhà sản xuất trò chơi Pokémon GO là muốn kéo những đứa trẻ thụ động ra khỏi nhà, khuyến khích chúng vận động nhiều hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ (BS) cho rằng càng ngày Pokémon GO càng bộc lộ nhiều tác hại đến sức khỏe người chơi.
Nhập viện vì game
BS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần trung ương I, cho biết thời gian gần đây, ông đã nhận được nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn về hội chứng nghiện game, trong đó có trò chơi Pokémon GO.
“Họ kể với tôi về việc họ bị cuốn vào đam mê và vô cùng thích thú khi săn được những con Pokémon. Do say mê “đi săn” nên công việc, nề nếp ăn ngủ đều đảo lộn, nếu người thân giục giã là họ cáu gắt. Trò chơi có vẻ tương tác với thiên nhiên nhưng thực tế vẫn nhốt kín người chơi trong thế giới ảo. Bởi lẽ, dù đi lang thang ngoài đường hay chui rúc vào bụi rậm thì mắt và bộ não người chơi vẫn chăm chú vào màn hình điện thoại, vui vẻ với các con thú ảo” - BS Cương phân tích.
Theo BS Cương, với sự mới lạ và hấp dẫn, Pokémon GO đang khiến giới trẻ say sưa và dự báo sẽ có nhiều em phải vào viện tâm thần điều trị vì nghiện trò chơi này. “Khi trò chơi gây cuốn hút thì không chỉ giới trẻ mà nhiều đối tượng khác cũng rất dễ ham thích, dần lạm dụng và dẫn đến nghiện” - BS Cương cảnh báo.
Từ thực tế điều trị cho rất nhiều trường hợp nghiện game, BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần trung ương - BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng các game thường đánh vào trí tò mò, thích mới lạ, sôi động của giới trẻ. “Tuy nhiên, nếu mải chơi game sẽ không còn thời gian dành cho việc khác, sẽ mất ngủ. Khi cơ thể mất ngủ sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi, dễ dẫn đến stress - nguyên nhân của hàng loạt rối loạn tâm thần. Chưa kể, nghiện chơi game còn dẫn đến các hậu quả khác như bị cướp giật, bị tai nạn… Bất cứ trò chơi nào có thể gây nguy hại cho cộng đồng thì phải cấm. Pokémon GO đang là một trò chơi như vậy” - BS Dũng nhấn mạnh.
Trầm cảm, giết người
Cảnh báo nguy cơ rối loạn tâm thần do nghiện chơi game trong giới trẻ đang ở mức cao, BS Cương cho biết số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do chơi game có xu hướng gia tăng vì hiện nay, thanh thiếu niên có nhiều điều kiện tiếp xúc công nghệ điện tử. Hình ảnh các bạn trẻ thường xuyên “cắm mặt” vào điện thoại, máy tính với những giao tiếp ảo, niềm vui chiến thắng ảo dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nếu chơi game liên tục 7 giờ/ngày trở lên (thậm chí có trường hợp còn dùng ma túy đá để tỉnh táo khi thức xuyên đêm chơi game) thì dễ gây ra rối loạn tâm thần khiến cơ thể bị suy nhược, trầm cảm, thiếu khả năng kiểm soát về hành vi và có thể dẫn đến tự tử, giết người.
Theo giới chuyên môn, một người được xem là nghiện game khi chơi trò này ngay tại nơi làm việc, nơi công cộng, chơi cho đến khi ngủ và ngay sau khi thức dậy. Tác hại của việc nghiện game được so sánh tương tự nghiện ma túy, thậm chí được coi là những loại bệnh lý về tâm thần.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy chơi game thường xuyên khiến người chơi phải tiếp xúc trực tiếp màn hình điện tử có phản quang sắc xanh liên tục trong nhiều giờ. Đây là nguyên nhân khiến cơ thể hạn chế tiết ra chất melatonin - một hormone quan trọng có tác dụng điều hòa chu kỳ sinh học và giấc ngủ. Càng mê chơi game càng gây hưng phấn, làm giảm thời gian dành cho việc ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ, tổn thương não bộ. Muốn cai nghiện game, quan trọng nhất là gia đình phải phối hợp với các BS, tách hẳn “bệnh nhân” ra khỏi môi trường có thể chơi game.
Đã xuất hiện game giả
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng ATHENA TP HCM, cho biết do không có thời gian chơi Pokémon GO nên nhiều người đã tìm mua lại các tài khoản “xịn” của game hoặc thuê người “cày”. Để có level cao, sở hữu nhiều Pokémon, một số người đã tìm cách gian lận rồi bán lại cho người chơi khác hoặc nhanh chóng hoàn thành việc “cày thuê”. Nếu nhà phát hành game phát hiện các tài khoản này gian lận, họ sẽ khóa ngay, người chơi sẽ vĩnh viễn không thể chơi lại được và tiền mua tài khoản chắc chắn sẽ mất. Người mua hoặc người thuê không thể kiện vì các giao dịch này thường thực hiện qua mạng, không có gì làm bằng chứng.
Theo ông Tạ Đức Thiện, chuyên gia của Bkav, Pokémon GO đang gây sốt nên đã xuất hiện game giả mạo khiến smartphone của người dùng có thể bị tấn công. Mã độc này có nhiều tính năng độc hại như: tự động cài ứng dụng bất kỳ theo yêu cầu của hacker lên điện thoại nạn nhân, bật camera, micro để quay phim, thu âm, ghi lại tất cả cuộc gọi và tin nhắn của chủ nhân thiết bị…, đồng thời gửi các thông tin đánh cắp được cho hacker.
Ch.Trung
Bình luận (0)