Giữa trưa nắng, dưới chân cầu Bà The (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM), người đàn ông có dáng khắc khổ, mái tóc bạc trắng lo lắng đứng ngóng xe buýt. Khi thấy một bà cụ bước xuống xe buýt, trên tay xách theo 2 hộp cơm còn nóng hổi, ông mừng rỡ bước đến. "Mẹ mua làm gì cho tốn kém?". Bà cụ đáp: "Hôm nay có đậu hũ kho thịt mà bây thích".
"Làm mẹ tụi con nha"!
Căn gác nhỏ 9 m2 là không gian riêng mà vợ chồng ông Đinh Tiên Sinh (63 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (58 tuổi, ngụ phường Thạnh Xuân) dành cho bà cụ, dù nhỏ nhưng có máy quạt, tủ quần áo, chăn gối… Phía dưới chừng 12 m2 là nhà bếp, nhà vệ sinh, nơi để tủ lạnh, tủ quần áo, xe máy... và đủ một chỗ ngủ cho vợ chồng ông Sinh không phải co chân.
Dù chật chội nhưng căn phòng trọ này là mái ấm thực sự của gia đình ông Sinh 8 năm nay khi lần nữa vợ chồng ông có mẹ: Bà Nguyễn Thị So quê tỉnh Tây Ninh, năm nay 88 tuổi.
Cha mẹ mất sớm, không họ hàng thân thích, ông Sinh sống rày đây mai đó, ngủ nhờ hiên nhà hàng xóm. Từ khi lập gia đình, ông làm đủ nghề từ bốc vác, phụ hồ đến thu gom rác để nuôi vợ và 2 con.
Năm 2010, ông theo xe phụ gom rác dân lập cho một người quen ở quận 3. Mỗi ngày đi làm đều đi ngang chợ Bà Chiểu, ông để ý đến cụ bà 80 tuổi đi khắp chợ bán vé số mưu sinh. Thương cụ, ngày nào ông cũng mua một tờ vé số ủng hộ.
Một tối giữa tháng 8-2012, ông Sinh bắt gặp bà cụ đang gối đầu trên túi xách, nằm co ro trong chợ. Ông đến hỏi thăm mới biết bà không có gia đình, không con cháu, sống lang thang. Ông quay vội về nhà bàn với vợ, mong muốn rước cụ về nhà để bà có chỗ ngủ đàng hoàng. "Vợ tôi gật đầu đồng ý. Vậy mà năn nỉ cả tháng, bà mới chịu theo chúng tôi về. Ban đầu còn xưng hô khách sáo nhưng được ít hôm, tôi nói: Bà làm mẹ tụi con nha! Bà gật đầu. Vậy là sau mấy chục năm không còn mẹ, vợ chồng tôi lần nữa lại có mẹ" - ông Sinh xúc động kể lại.
Ông Đinh Tiên Sinh và mẹ nuôi - cụ Nguyễn Thị So
Lúc rước cụ về, thấy phòng trọ bên quận Bình Thạnh chật chội quá, vợ chồng ông Sinh quyết định dọn qua quận 12 có gác trọ để mẹ có không gian riêng, dù mỗi ngày ông phải đi làm xa hơn. Suốt 8 năm qua, những người ở xóm trọ không ai biết cụ là mẹ nuôi mà tin rằng đó là mẹ ruột của ông Sinh.
"Mấy chục năm rồi mới kêu lại tiếng mẹ, tôi vừa mừng vừa ngượng. Mẹ tôi cũng vậy, bỗng dưng có con nên phải mất một thời gian hai bên mới quen nhau. Nhà này mẹ làm chủ hộ, lúc chở mẹ lên phường làm hộ khẩu, để tiện, tôi khai nguyên quán ở Tây Ninh cho giống mẹ. Từ ngày có hộ khẩu, mỗi tháng mẹ được lãnh 380.000 đồng tiền cho người cao tuổi, lại được cấp BHYT miễn phí" - ông Sinh kể.
Có mẹ, có thêm vốn liếng yêu thương
Phòng trọ nhỏ của gia đình ông Sinh thường rộn ràng sau 12 giờ, lúc mẹ ông bán vé số về. Đơn giản chỉ là những câu hỏi han "Mẹ bán hết không?", "Mẹ ăn cơm chưa?" mà lần nào đến thăm, nghe họ nói với nhau, chúng tôi đều xúc động.
Ba tháng trước, giữa những ngày dịch bệnh bùng phát, thương mẹ nghỉ bán ở nhà cả ngày nằm trên gác phải hứng chịu nắng nóng, ông Sinh ra cửa hàng điện máy mua trả góp một cái quạt hơi nước đặt trên gác cho mẹ.
Tám năm về đây, bà vẫn đi bán vé số, vẫn mua cơm hộp theo thói quen dù vợ chồng ông năn nỉ đủ cách. "Tiệm cơm đó mẹ quen mấy chục năm rồi. Bán vé số đi đây đi đó là niềm vui, nằm ở nhà chỉ sinh bệnh, cứ để mẹ đi" - nghe bà nói có lý nên vợ chồng ông không áy náy như trước. Chỉ khác, ông xin mẹ mỗi sáng được chở bà ra chợ Bà Chiểu thay vì đi xe buýt, để rồi khi gặp người quen ông lại khoe: "Mẹ tôi đó".
Tám năm qua, mẹ con họ cũng có những lúc bất đồng, tranh luận; có lúc cụ So giận bỏ đi mấy hôm, ông phải đi suốt 2 ngày tìm mẹ, khi gặp lại nắm tay năn nỉ ỉ ôi. Thế nhưng, đi qua những bất đồng, tình thương vẫn ở lại, như cụ So vẫn thường khoe: "Nhà này chẳng có gì quý, chỉ có 2 đứa con là quý thôi".
Gia cảnh khó khăn
Hơn 40 năm qua, vợ chồng ông Sinh - bà Lan cùng 2 người con tá túc từ nhà trọ này đến nhà trọ khác. Đến khi 2 người con khôn lớn, lập gia đình, thuê nhà riêng thì nỗi buồn lại ập đến khi vài năm trước, con trai lớn của họ mất vì bạo bệnh.
Bà Lan sức khỏe yếu do bệnh đái tháo đường và rối loạn tiền đình thường xuyên hành hạ. Để trang trải cuộc sống, mỗi ngày bà nấu 10 lít sữa đậu nành bán ở vỉa hè gần nhà, bán hết thì được 40.000 đồng tiền lời, đủ 2 bữa ăn cho gia đình. Ông Sinh mấy năm nay chuyển sang chạy xe ôm.
Bình luận (0)