Hẳn nhiều người còn chưa hết ám ảnh khi chứng kiến vụ tai nạn thương tâm ở đoạn đường dẫn lên cầu vượt Sóng Thần (giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TP HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) khi một người phụ nữ mang thai 7 tháng trên đường đi giao hàng bị xe container cán chết hôm 17-8. Tại nhiều điểm đen khác trên địa bàn TP HCM, những hình ảnh tang thương sau tai nạn cũng liên tiếp xảy ra khiến nhiều người không khỏi rùng mình mỗi khi phải ngang qua.
Ám ảnh
Trở lại khu vực cầu vượt Sóng Thần sáng 15-9, chúng tôi chứng kiến vẫn là hình ảnh những đoàn xe container, xe tải nối đuôi nhau chạy rầm rập. Tại đoạn đường dẫn lên cầu vượt Sóng Thần - nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm nói trên - đã được các đơn vị thi công trải nhựa. Dù vậy, do lượng phương tiện lưu thông dày đặc nên chỉ sau vài ngày dặm vá đã xuất hiện những vết bong tróc, lổn nhổn đá dăm. Chưa kể, tại khu vực này, ô tô khi lưu thông trên đoạn đường dẫn từ khu phố Bình Đường 3 (phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) ôm cua lên cầu vượt Sóng Thần (hướng về quận Thủ Đức, TP HCM) đều cắt ngang làn xe 2 bánh khiến nhiều người điều khiển xe máy phải dừng lại chờ dòng xe chạy qua hoặc len lỏi trước đầu ô tô. Trong khi đó, nhiều xe tải khi ôm cua lên cầu vượt Sóng Thần ép sát vào lề đường, không còn chỗ cho xe máy lưu thông.
Quan sát tại khu vực trên trong khoảng 30 phút, chúng tôi chứng kiến nhiều người chạy xe máy phải nép sát vào lề đường hoặc len lỏi giữa dòng xe tải, xe container dày đặc để di chuyển lên cầu vượt Sóng Thần. Nhiều phụ nữ tay lái yếu đôi lúc loạng choạng như chực ngã trước đầu xe container.
Trong khi đó, ghi nhận ở hướng ngược lại trên cầu vượt Sóng Thần (từ quận Thủ Đức qua quận 12, TP HCM), các phương tiện luôn bị ùn ứ và xung đột giữa hướng lưu thông từ đại lộ Độc Lập (thị xã Dĩ An) ra Quốc lộ 1 và hướng từ cầu vượt Sóng Thần đổ dốc lúc nhập chung làn đường.
Ông Bùi Văn Chót, hành nghề xe ôm tại khu vực này, kể đã chứng kiến hàng loạt vụ va chạm giữa các ô tô ở ngay vị trí đổ dốc cầu vượt Sóng Thần, trong đó có nhiều vụ gây chết người. Nguyên nhân là khi đổ dốc, các xe nối đuôi nhau di chuyển nên nhiều tài xế bị khuất tầm nhìn, không lường được các tình huống rồi dẫn đến va chạm với các phương tiện từ đại lộ Độc Lập chạy ra. “Tuy nhiên, nguy hiểm nhất vẫn là người đi xe máy do luôn bị ô tô cắt mặt và phải lưu thông sát bên các xe container, xe tải… Chỉ cần sơ sẩy một chút là mất mạng ngay” - ông Chót nói.
Tại ngã tư An Sương, chiều tối 15-9, chúng tôi ghi nhận cảnh ùn ứ kéo dài nhiều giờ liền do cả 4 hướng lưu thông trên Quốc lộ 1, đường Trường Chinh, Quốc lộ 22 luôn bị xung đột khi lượng phương tiện di chuyển dày đặc. Tại nhiều nhánh rẽ xung quanh vòng xoay, các loại xe lưu thông hỗn loạn, nhiều người chạy xe máy phải luồn lách hoặc cúp đầu ô tô trong dòng xe kẹt cứng. Rùng mình hơn, nhiều xe container khi ôm cua qua vòng xoay lấn vào làn xe 2 bánh khiến nhiều người chạy xe máy phải nép sát vào lề đường. Nhiều xe chuyển hướng từ Quốc lộ 1 xuống gầm cầu vượt An Sương nhưng vẫn giữ tốc độ cao, nhấn còi hơi loạn xạ và kèn cựa với các phương tiện khác khiến nhiều người phải né dạt.
Nhắc tới vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), người dân nhớ nhiều nhất là các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do xe tải nặng gây ra bởi sự bất hợp lý trong phân làn, phân luồng, dựng biển báo. “Nếu không quen đường rất dễ dẫn đến tai nạn” - một tài xế xe container nói.
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
Theo thống kê, hiện TP còn đến gần 20 điểm đen TNGT. Trong đó, hiện đã có 8 điểm đen đã được lập các phương án xử lý như cải tạo đảo dừng chờ an toàn cho người đi bộ, chuyển đèn tín hiệu, điều chỉnh các hướng lưu thông kết hợp cải tạo hình học ở những đoạn đường cong… Riêng tại khu vực ngã tư An Sương hiện đã được lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu giao thông và mở rộng mặt đường. Đồng thời, khu vực này cũng đã có chủ trương thực hiện dự án xây dựng hầm chui An Sương (theo hướng trục đường Quốc lộ 22 - Trường Chinh) nhằm giảm ùn tắc giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban ATGT TP, trong công tác kéo giảm TNGT đến cuối năm 2016, UBND TP sẽ tổ chức họp giao ban mỗi tháng nếu tình hình TNGT không được chuyển biến. Đặc biệt, nếu TNGT tăng cao, chưa có hướng xử lý quyết liệt và hiệu quả thì xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. “Các đơn vị khác như Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Công an TP cùng chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng… thì mới có thể giảm được tai nạn và ùn tắc giao thông” - ông Tường cho biết.
Theo Sở GTVT, hiện cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều biện pháp như duy tu hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Song song đó, các đơn vị cũng tiếp tục rà soát hệ thống biển báo, cấm và hạn chế xe tải, xe container lưu thông vào giờ cao điểm ở những tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT.
Phải rõ nguyên nhân mới “xử” được!
TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - cho rằng để kéo giảm TNGT tại những điểm đen thì phải đánh giá rõ ràng về nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm xử lý triệt để. Theo quan sát của TS Sanh, ngoài các nguyên nhân như lượng phương tiện tăng cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn thì việc phân làn, phân luồng bất cập, thiếu hợp lý cộng với ý thức của người lái xe cũng là yếu tố hàng đầu dẫn đến tình trạng ùn tắc, TNGT.
Bình luận (0)