Những ngày này ở Bình Thuận quê tôi, từ đồng ruộng về đến bữa cơm nhà, đâu đâu cũng nghe những câu chuyện xung quanh trái thanh long đang rớt giá thảm hại do "vạ lây" từ đại dịch Covid-19.
Lan tỏa điều tử tế
Đội nắng giữa trưa, ông Mai Văn Hòa (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) lặn lội hết vựa này đến vựa khác để tìm người mua hơn 3 tấn thanh long ruột trắng đã chín rộ. Chỉ một vựa quen đồng ý mua với giá xô 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo kinh nghiệm của nhiều nông hộ, thanh long phải bán khoảng 12.000 đồng/kg mới bù được chi phí sản xuất. Tính ra vụ thu hoạch này nhà ông lỗ nặng.
Nhưng bán được đã mừng! Liên hệ với 5 chủ vựa thu mua, bà Nguyễn Thị Sáu (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đều chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Ngồi thẫn thờ giữa ruộng thanh long, bà chực khóc rồi tính đường đổ bỏ 2 tấn hàng đã chín đỏ. Mấy tháng ròng ăn ngủ ngoài đồng giờ xem như công cốc. Vụ này gia đình bà trắng tay.
Cây thanh long đã giúp người dân quê tôi xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thế nhưng những năm gần đây, thanh long rớt giá, nông dân khóc ròng lại thành câu chuyện "đến hẹn lại lên". Người nông dân biết nhưng họ vẫn chấp nhận đánh cược. Bởi với họ ở cái vùng đất đai bạc màu, khô hạn khó canh tác này, không trồng thanh long thì biết trồng gì?
Gia đình anh Tuân "giải cứu" thanh long Bình Thuận
Theo báo cáo mới đây của Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, gần 100.000 ngàn tấn thanh long sắp thu hoạch của tỉnh đang bí đầu ra. Điều này đồng nghĩa sẽ có hàng ngàn gia đình nông dân phải điêu đứng.
Chứng kiến những giọt nước mắt bất lực chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ của những người nông dân lam lũ, anh Nguyễn Phạm Tuân (ngụ huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) đã nỗ lực tìm cách "giải cứu" thanh long. Bằng chiếc xe tải hơn 3 tấn của gia đình, anh thu gom thanh long ở địa phương mang ra Phú Yên, Bình Định tiêu thụ. Vừa bán, vừa cho rồi lại dùng số tiền bán thanh long để mua dưa hấu của bà con nơi đây mang về Bình Thuận bán với giá 10.000 đồng/3kg. Số lượng tuy không nhiều nhưng ít nhất cách "lấy thanh long giải cứu dưa hấu" của anh đã giúp vài hộ nông dân vơi bớt gánh nặng vì một vụ mùa thất bát. "Nếu được ủng hộ, tôi sẽ tiếp tục đi để san sẻ, để cùng tiếp sức cho người nông dân tái sản xuất trên cánh đồng của mình. Những điều tốt, dù là nhỏ nhất của sẽ góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn" – anh Tuân tâm sự.
Người Việt Nam là vậy!
Anh Tuân không phải là trường hợp cá biệt. Những "chiến dịch giải cứu nông sản" sống dậy mạnh mẽ nhờ các công ty, doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm và được nhân dân cả nước đồng lòng ủng hộ.
Dùng tiền bán thanh long Bình Thuận "giải cứu" dưa hấu các tỉnh khác
Trong lúc nông dân điêu đứng, tính đến đường đổ bỏ thanh long, một công ty xuất khẩu thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã đứng ra hỗ trợ, tiếp tục thu mua cho người dân. Trong khả năng của mình, mỗi ngày công ty lên kế hoạch mua 300 tấn hàng với mức giá từ 5.000-6.000 đồng/kg, sau đó trữ lạnh và xuất chính ngạch đi 7 nước.
Bà Sáu bán được hết 2 tấn hàng. Giá bán không cao nhưng bà phấn khởi vì còn có cơ hội tái đầu tư sản xuất cho vụ sau.
Sự tử tế lan tỏa, "chiến dịch giải cứu thanh long" được hưởng ứng, một vài vựa bắt đầu mở cửa hoạt động, hỗ trợ mua thanh long cho bà con. Dù số lượng được giới hạn nhưng những nỗ lực đó chính là chiếc phao cứu sinh cho nhiều chủ vườn vào thời điểm hiện nay.
Không chỉ ở Bình Thuận mà Long An, Gia Lai, Phú Yên… những mặt hàng nông sản bị "vạ lây" bởi dịch Covid-19 cũng được "giải cứu" rầm rộ trên cả nước. Một loạt điểm "giải cứu" mọc lên giúp tiêu thụ hàng chục tấn nông sản cho người nông dân. Trong hoạn nạn, người Việt Nam lại nắm chặt tay nhau, động viên, san sẻ, bao dung. Một lần nữa người nông dân lại mang ơn đồng bào của mình!
Bình luận (0)