TP HCM những ngày nóng hầm hập. Ông Tư Ẩn (tên thật Nguyễn Văn Tư) đứng bên chiếc xe ba gác điện, là gian hàng quần áo di động, lưng áo lấm tấm mồ hôi. Ông kiên nhẫn chờ khách lựa những bộ quần áo ưng ý rồi cẩn thận giúp họ bỏ vào bịch. Điều đặc biệt, những bộ quần áo khách lựa đều không cần phải trả tiền.
Giàu nghị lực sống
Hơn 80 tuổi nhưng hằng ngày hai buổi sáng - chiều, ông Tư Ẩn đều đặn rong ruổi khắp các nẻo đường từ huyện Nhà Bè đến quận 4 (TP HCM), từ khu công nghiệp, bệnh viện đến xóm trọ, nơi nào tập trung nhiều người lao động, người nghèo, ông ghé lại "bán" quần áo với giá… 0 đồng. "Sợ nhiều người thấy chữ "từ thiện" sẽ ngại, không đến nhận, tôi quyết định để bảng "Quần áo tự chọn giá 0 đồng" - ông Tư Ẩn nói với giọng the thé. Sở dĩ giọng ông không dễ nghe bởi 18 năm trước, sau một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u chèn ép dây thanh quản, ông Tư Ẩn bị mất giọng. Đến nay, ông chỉ có thể giao tiếp với người xung quanh thông qua sự hỗ trợ của một chiếc máy đặt ở cổ họng hoặc qua cử chỉ, chữ viết.
Không chỉ mất giọng nói, cơ thể ông còn mang nhiều di chứng của bệnh tật, tai nạn ngày còn trẻ. Ông từng bị gãy xương đùi trái, bác sĩ chẩn đoán sẽ phải gắn bó suốt đời với cặp nạng chống. May mắn nhờ sự cứu chữa của một vị lương y người Hoa và nỗ lực luyện tập phục hồi mỗi ngày, chân ông đã đi được. Không lâu sau đó, ông tiếp tục trải qua một cuộc phẫu thuật túi mật rồi phẫu thuật ruột do ruột dính vào thành bụng.
Ông Tư Ẩn cùng chiếc xe ba gác điện chở đầy ắ́p quần áo từ thiện rong ruổi khắp các nẻo đường TP HCM
Sau bao biến cố sinh tử, ông Tư Ẩn tìm cách vực dậy bản thân, tìm kiếm cơ hội được sống tử tế hơn mỗi ngày và bắt đầu gắn bó nhiều hơn với những công việc từ thiện xã hội.
"Ngày trước nhà tôi nằm trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TP HCM), nhiều lần gặp người vô gia cư đột tử trên đường, tôi không đành, trút hết tiền dành dụm để mang họ đi chôn cất. Nghĩa tử là nghĩa tận, họ sống đã không có gia đình, chết còn một mình quạnh quẽ thì thật đáng thương" - ông Tư Ẩn kể.
Đến khi nào đi hết nổi thì thôi
Hỏi ông gắn bó với gian hàng quần áo lưu động từ lúc nào, ông Tư Ẩn nói không nhớ rõ, chỉ biết là rất lâu rồi. Những ngày đầu, ông cùng vợ là bà Trần Thị Bé (66 tuổi) phải tự bỏ tiền túi và tìm mua quần áo cũ từ nhiều nơi mang về, giặt sạch sẽ, phân loại từng cái, treo lên chiếc xe tự chế, chạy khắp nơi cho người lao động nghèo.
Xe đi đến đâu được người lao động chào đón đến đó. Chiếc xe tự chế hay hỏng vặt và hết xăng giữa đường, có khi ông phải đẩy cả đoạn đường dài. Vất vả, nặng nhọc, lại không kiếm ra tiền nhưng vợ chồng ông lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì có thể giúp được cho nhiều người khốn khó những tấm áo lành lặn hơn.
Dần dần nhiều người biết tới, mang quần áo cũ đến tận nhà hay chờ xe ông đi ngang thì gọi vào mang cho. Có khi quần áo được cho nhiều, chất đống trong nhà, vợ chồng, con cái ông lại thay phiên nhau phân loại, đóng gói để gửi tặng cho những mái ấm, nhà mở, các cơ sở bảo trợ xã hội.
Cách đây 3 năm, biết việc làm của ông, một nhà hảo tâm đã đem đến tặng một chiếc xe ba gác điện. Ông Tư Ẩn vui mừng vì kể từ đó, ông có thể đi được quãng đường xa hơn, đến được với nhiều người lao động nghèo hơn. Nhưng có vẻ quãng đường hơn 50 km đi về và khối lượng công việc mỗi ngày dường như có phần quá sức với một ông lão 80 tuổi. Ấy vậy mà nghe tôi hỏi ông sẽ đi làm từ thiện thế này đến bao giờ, ông Tư Ẩn cười hiền: "Đến khi nào hết đi nổi thì thôi! Nếu con, cháu tôi có đứa tiếp tục công việc này thì tôi càng hạnh phúc".
Bình luận (0)