Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo Bộ GTVT, dự thảo lần này bổ sung, điều chỉnh nhiều mức phạt nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia giao thông, bảo vệ kết cấu cầu đường.
Gắn trách nhiệm chủ xe
Theo dự thảo, xe chở quá tải trọng dưới 10% không bị xử phạt. Ngược lại, nếu vượt tải trọng (khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông) được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường từ trên 10% đến 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 10%-30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ- moóc) sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Vi phạm trọng tải trên 40%-60% bị phạt tiền 3-5 triệu đồng và vi phạm trên 60% bị phạt tiền 5-7 triệu đồng.
Dự thảo nghị định cũng điều chỉnh hình thức xử phạt bổ sung, tước giấy phép lái xe 1 tháng đối với tài xế chở quá tải trọng cho phép từ 50% trở xuống. Riêng một số hành vi vi phạm chưa tới mức quá nghiêm trọng được điều chỉnh từ tước giấy phép lái xe 2 tháng còn 1 tháng, nhằm giúp tài xế và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Đáng chú ý nhất, dự thảo nghị định đề xuất điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với chủ phương tiện giao xe cho người làm công (tài xế) chở quá tải trọng. Cụ thể, phạt cá nhân 4-6 triệu đồng và tổ chức 8-12 triệu đồng nếu giao hoặc để cho tài xế chở hàng vượt tải trọng trên 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ-moóc và
sơ-mi rơ-moóc). Việc tăng mức xử phạt này nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đối với công tác quản lý hoạt động vận tải của đơn vị mình.
Phải mạnh tay với “xe vua”
Theo ban soạn thảo, đi liền với những chế tài nhằm bảo đảm tính răn đe nêu trên, Bộ GTVT đang chỉ đạo triển khai quyết liệt việc xử lý tình trạng cơi nới thùng xe để chở quá tải trọng.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhấn mạnh: “Sự thành bại của “cuộc chiến” với xe quá tải phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của địa phương. Nếu các địa phương không thực hiện quyết liệt hoặc lơ là kiểm soát tải trọng thì sẽ không có kết quả tốt. Sắp tới, chúng tôi sẽ trang bị thêm nhiều cân trọng tải di động để bảo đảm việc xử lý ở các “điểm nóng” được triệt để hơn”.
Đánh giá cao việc tăng nặng xử phạt xe chở quá tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đề nghị ngành giao thông và công an cần xử lý đến nơi đến chốn chốn tình trạng “xe vua” hoành hành, phá đường sá đang diễn ra trên cả nước. “Chúng ta đã buông cho “xe vua” hoạt động hàng chục năm nay rồi, bây giờ phải xử lý cho triệt để. Nếu không, những tổn thất mà xã hội gánh chịu sẽ ngày càng lớn” - ông Thanh lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Thanh còn đề xuất bổ sung vào dự thảo quy định chế tài xử phạt đối với chủ hàng hóa và doanh nghiệp xếp dỡ hàng lên xe. Ông góp ý: “Nếu chỉ chế tài đối với tài xế và chủ phương tiện thì không thỏa đáng. Bởi lẽ, tài xế chỉ là người làm thuê, phải nghe lời ông chủ để không bị mất việc. Việc chở quá tải nhiều khi do chủ đích của chủ hàng và những người xếp dỡ hàng lên xe. Chính những người này quyết định tới việc đảo lộn số lượng hàng hóa nên phải xử phạt nặng̣”.
Phạt xe cơi thùng, bớt ghế, chở thêm hàng
Tai nạn giao thông do tài xế chạy liên tục nhiều giờ, không đủ tỉnh táo, sức khỏe để điều khiển xe xảy ra khá phổ biến. Do vậy, dự thảo đề xuất biện pháp tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với tài xế điều khiển ô tô quá thời gian quy định (quá 4 giờ liên tục và quá 10 giờ/ngày).
Ban soạn thảo còn cho biết qua quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm: Thay đổi kích thước thùng xe tải hoặc tháo bớt ghế, giường nằm trên xe khách để vận chuyển hàng hóa, chở thêm người. Để chế tài, dự thảo bổ sung mức phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng đồng đối với các hành vi này.
Các hành vi như không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị vận tải, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở... cũng bị phạt 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và 2-4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải.
Bình luận (0)