Theo Luật Giao thông đường bộ, việc lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng bị nghiêm cấm.
Tiếng còi hơi của xe ô tô, xe tải là nỗi ám ảnh của người đi đường
Cần xử phạt nặng
Ông Ngô Ngọc Sơn, Phó Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: “Còi xe sử dụng trong nội thị có âm lượng trong giới hạn cho phép từ 90 decibel - 115 decibel. Âm lượng của còi hơi chắc chắn lớn hơn còi điện rất nhiều”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, âm lượng của còi hơi khoảng 300 decibel. Ông Sơn cho biết tài xế thường thay còi xe do hãng xe sản xuất bằng còi hơi có âm lượng rất to để bấm cho đã tay và mục đích... hù dọa người đi đường. Tuy nhiên, khi các tài xế đem xe tới đăng kiểm thì họ tháo còi hơi “trái phép” ra nên hầu như đều thoát qua “ải” đăng kiểm.
Khẳng định việc sử dụng còi hơi quá lớn ảnh hưởng nhiều đến an toàn giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông TPHCM, bức xúc: “Nhiều tài xế sử dụng còi hơi rồi bóp còi inh ỏi, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao, đàn ông còn hoảng hốt huống chi là phụ nữ tay lái yếu”. Ông Tường cho biết trong các cuộc họp về an toàn giao thông, Ban An toàn giao thông TP đều kiến nghị tập trung xử phạt nặng các tài xế sử dụng còi xe có âm lượng lớn hơn quy định hoặc hành vi thay còi điện bằng còi hơi.
Thiếu thiết bị hỗ trợ
Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - Công an TPHCM, khẳng định trong tháng cao điểm tập trung xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ theo nghị định 34/2010/NĐ-CP, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã tăng cường xử phạt việc sử dụng còi xe không đúng quy chuẩn kỹ thuật. Thượng tá Võ Văn Vân cho biết những tài xế vi phạm đều bị phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng và bị bắt buộc thay thế còi xe khác đúng chuẩn.
Tuy nhiên, việc xử phạt người sử dụng còi hơi trái phép xem ra rất khó. Tài xế thấy mặt cảnh sát giao thông thì sử dụng còi hơi đúng chuẩn, không thấy thì gắn còi hơi “khủng” vào, bấm inh ỏi. Hiện tại, cảnh sát giao thông cũng không có phương tiện hỗ trợ để đo âm lượng của tiếng còi. Vì vậy, việc đánh giá âm lượng tiếng còi xe có vượt chuẩn cho phép hay không được thực hiện chủ yếu bằng... lỗ tai. Theo Thượng tá Võ Văn Vân, nhiều trường hợp sau khi bị phạt, bị bắt tháo còi hơi ra khỏi xe, sau khi chạy được một quãng đường xa xa, tài xế lại... len lén gắn còi hơi khác vào và... ung dung bấm tiếp!
Ông Đậu An Phúc, Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TPHCM, cho rằng các doanh nghiệp vận tải phải có trách nhiệm kiểm tra xe cộ của mình và dùng đúng loại còi xe của nhà sản xuất, đồng thời có biện pháp kiểm soát và chế tài đối với các tài xế tự ý đổi còi xe. “Trong việc này, ý thức của các tài xế là vô cùng quan trọng vì những tiếng còi rền vang có thể gây ra những tai nạn thương tâm cho người khác” - ông Phúc nói.
Bình luận (0)