Một thành phố ghi dấu ấn sâu đậm là khi nhắc đến, người ta sẽ gọi ngay những thương hiệu đại diện cho thành phố đó. Chính vì vậy, để nâng tầm TP HCM, phải có chiến lược dài hơi nâng tầm những "Thương hiệu Vàng", đặc biệt là trong thời đại công nghệ, mọi thứ diễn ra rất nhanh.
Niềm tự hào của TP HCM
Xin được nhắc lại một số thương hiệu đã hằn sâu vào tâm thức của người dân TP HCM. Nói đến ngành bán lẻ, người ta sẽ nhớ ngay Saigon Co.op, nhắc đến du lịch sẽ lựa chọn Saigontourist, nhắc đến thực phẩm tươi sống thì VISSAN lóe sáng. Bánh kẹo thì có hai đại diện ABC Bakery và Kido, giày dép có Biti’s, văn phòng phẩm có Thiên Long, vàng bạc đá quý có PNJ, còn các mặt hàng liên quan đến sữa và các sản phẩm làm từ sữa thì Vinamilk vững chãi bao năm qua... và còn nhiều thương hiệu lớn khác. Những thương hiệu nêu trên đều "có tiếng, có miếng", nhiều thương hiệu đã vươn tầm quốc tế.
Vừa qua, Sở Công Thương TP HCM tổ chức lễ công bố giải thưởng "Thương hiệu Vàng" TP HCM 2021. Đây là năm thứ 2 giải thưởng được tổ chức. Giải thưởng "Thương hiệu Vàng" TP HCM được xây dựng với kỳ vọng tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo, phát triển thương hiệu sản phẩm bền vững, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm TP HCM tại thị trường trong nước và quốc tế. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, các "Thương hiệu Vàng" là niềm tự hào của TP HCM sẽ được ưu tiên giới thiệu, quảng bá tại các chương trình xúc tiến thương mại.
Là một chủ doanh nghiệp, tôi thấy đây là giải thưởng có tính ghi nhận, khích lệ rất cao và tạo nên những giá trị tích cực. Chính những "Thương hiệu Vàng" tạo nên môi trường làm ăn hấp dẫn giới đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để nâng tầm thương hiệu thì phải làm đồng bộ, vì lâu nay vẫn có tình trạng "ngành này trọng, ngành kia khinh".
Saigon Co.op là nhà phân phối được chứng nhận “Thương hiệu Vàng” TP HCM. Trong ảnh: Mua sắm tại Coopmart Phú Lâm, một hệ thống siêu thị bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op Ảnh: Hoàng Triều
Nâng tầm về lượng và chất
Nâng tầm thương hiệu là chuyện nói thì dễ nhưng để làm được cần đòi hỏi sự đồng lòng và thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt. Trong đó có một số điểm sau:
Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính mang tầm khu vực, bởi muốn mạnh, muốn nâng tầm thành phố thì tài chính phải là đầu tiên. TP HCM là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu có bước cải thiện vượt bậc trong năm 2019 - tăng 10 bậc theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Việt Nam có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế "riêng có và đặc biệt" trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong khoảng thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. Ngoài ra, TP HCM chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... và xa hơn chút là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc.
Nâng cao lợi thế so sánh bằng việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là Mỹ, châu Âu. Tìm mọi cách để phát triển ngành logistics. Logistics phải trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn không chỉ của TP HCM mà còn của cả khu vực.
Chuyển dịch cơ cấu và nâng cao giá trị xuất khẩu, một mặt phát huy thế mạnh xuất khẩu những sản phẩm chủ lực là điện, điện tử, dệt may, giày dép; một mặt mở rộng các sản phẩm có giá trị chất xám cao như y tế, giáo dục, công nghệ viễn thông, phần mềm, kinh tế tri thức.
Ngành du lịch TP HCM đang trong chuỗi ngày đầy khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn bắt đầu thực hiện chuỗi hoạt động hướng đến mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, một nơi có thế mạnh về ngành công nghiệp liên quan đến dịch vụ khách hàng (hospitality). Đạt mục tiêu là phải cạnh tranh ngang ngửa với các điểm đến trong khu vực như Singapore, Bangkok - Thái Lan, Hồng Kông - Trung Quốc bằng chất lượng dịch vụ, bằng bản sắc, là điểm đến an toàn.
Với hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, Khu Công nghệ cao có vị trí chủ đạo, hãy đầu tư mạnh cho những dự án khởi nghiệp và tạo cơ hội để người trẻ dám nghĩ dám làm một cách đột phá, phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài.
TP HCM có vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế, nằm trên tuyến giao thông xuyên Á và là cửa ngõ tiềm năng kết nối với cảng Busan - Hàn Quốc, Tokyo - Nhật Bản. TP HCM nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ gồm 8 tỉnh, thành gần như tạo thành một "bát giác kim cương", ôm lấy lõi tự nhiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ. Do vậy, vùng đô thị - cảng biển quốc tế này sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối thành chuỗi đô thị biển quốc tế với các nước.
Cải cách và xây dựng nền hành chính công hiệu quả, hiện đại, sáng tạo là điều mà doanh nghiệp, thương hiệu nào cũng cần. Một nền hành chính công giữ được bản sắc nhưng bắt kịp xu thế đã và đang hình thành, cần phát huy tối đa những ưu điểm, hạn chế thủ tục rườm rà, sử dụng công nghệ thay giấy tờ.
Niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài
Thêm một điều tôi rất mong chờ khi hiến kế chính là việc các "Thương hiệu Vàng" của TP HCM IPO ở nước ngoài, còn được biết đến là niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài. Những "Thương hiệu Vàng" của TP HCM cần được đầu tư để mạnh dạn IPO tại nước ngoài. IPO thành công thể hiện được vị thế của doanh nghiệp lớn, vươn ra tầm thi đấu sòng phẳng ở khu vực và quốc tế, cạnh tranh, thu hút dòng tiền đầu tư thế giới, nâng tầm uy tín quốc gia trên mọi mặt.
Làm kinh tế, tôi cảm nhận rõ quy luật song song - khi mục tiêu kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp có tham vọng lớn thì lượng vốn cần hấp thụ cũng tăng theo tỉ lệ thuận, thậm chí là cấp số nhân. Dĩ nhiên, việc IPO này phải tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước.
Bình luận (0)