Theo đơn khiếu nại, nhiều năm nay, các tổ gom rác dân lập ở thị xã Thuận An đảm trách việc gom rác thải và thu tiền từ các hộ dân, sau đó đưa về đổ ở bô rác tập trung của thị xã để Xí nghiệp Công trình công cộng vận chuyển đi xử lý. Các tổ gom rác phải hỗ trợ 30.000 đồng/tấn cho việc vận chuyển và xử lý rác.
Đầu năm 2015, các tổ gom rác được thông báo bắt đầu từ tháng 3, UBND các phường sẽ cử người trực tiếp đến nhà dân thu tiền và giữ lại 10%, tổ gom rác được nhận 90%. Ngoài ra, khi tập kết rác về bô rác, các tổ phải đóng 75.000-90.000 đồng/tấn.
Ông Diệp Phương (ngụ phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An) cho biết hiện có 2 xe tải và thuê 6 người đi gom rác của khoảng 900 hộ dân và 3.500 phòng trọ. Tổng số tiền ông thu được khoảng 60 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí nhân công, tiền đóng ở bô rác, xăng xe... thì còn khoảng 7 triệu đồng. “Số tiền đó cũng chỉ đủ sống, nay thị xã làm như vậy coi như “tận diệt” chúng tôi rồi” - ông Phương lo lắng.
Trong khi đó, bà Kim Thị Ánh (ngụ phường Lái Thiêu) cùng 3 người con phải bán đất ở quê để có tiền mua lại đường dây rác (tức khu vực thu gom rác). Khi các loại xe cải tiến không được phép chở rác, bà lại phải vay mượn để mua xe tải đúng chuẩn. “Bây giờ bỏ nghề thì chết đói, nợ nần làm sao trả? Xe tải chở rác hoài, mục cũ, bán lại ai mua?” - bà than.
Ngày 8-4, trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tân Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An, khẳng định hiện UBND thị xã thống nhất không thực hiện cách thu phí như quy chế đã ban hành vì “bị dân phản ứng quá”. UBND thị xã Thuận An đang xây dựng đề án giải thể Xí nghiệp Công trình công cộng (đơn vị nhận rác từ các tổ dân lập rồi vận chuyển đi xử lý). Công việc của xí nghiệp này sẽ giao lại cho Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương đảm trách.
Theo ông Thanh, trong thời gian chưa giải thể xí nghiệp, các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn tổ chức thực hiện như trước đây.
Bình luận (0)