xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rủi ro nghề giúp việc ở Ả Rập Saudi

Bài và ảnh: MAI NGUYỄN

Bị vắt kiệt sức, bị đối xử tồi tệ, không được trả lương đầy đủ..., đó là những rủi ro mà người lao động có thể gặp phải khi giúp việc gia đình ở quốc gia Trung Đông này

“Xin hãy đưa vợ tôi về. Vợ tôi đau ốm không được quan tâm, bị chủ trả lương không đầy đủ…” - ông Đặng Trình (ngụ xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) khẩn thiết cầu cứu qua đường dây nóng Báo Người Lao Động.

Về nước trắng tay

Theo thông tin ban đầu, vợ ông Trình là bà Hà Thị Quyến dù bị suy tim, cao huyết áp nhưng vẫn được nhân viên Công ty XNK và Chuyên gia Thanh Hóa tuyển chọn, sau đó giới thiệu ký hợp đồng sang Ả Rập Saudi làm giúp việc nhà thông qua Công ty Colecto (Hà Nội). Khi sang Ả Rập Saudi, do làm việc vất vả, bệnh tình của bà Quyến trở nặng nhưng không được chăm sóc y tế, không được trả lương đầy đủ.

Tình trạng lao động nữ Việt Nam sang Ả Rập Saudi làm công việc giúp việc gia đình (GVGĐ) gặp rủi ro liên tiếp xảy ra thời gian gần đây. Nửa tháng trước, đường dây nóng Báo Người Lao Động cũng nhận được điện thoại cầu cứu từ Ả Rập Saudi của một lao động nữ bị chủ bỏ rơi, doanh nghiệp (DN) phái cử yêu cầu gia đình nộp 48 triệu đồng mới làm thủ tục đưa về nước.

Trước đó, bà Đặng Thị Lý (ngụ huyện Ba Vì, TP Hà Nội) sau 1 năm bị vắt kiệt sức, ăn uống thiếu thốn, bị phân biệt đối xử, đã phải tay trắng về nước. Một trường hợp khác là bà Lê Thị Thanh Thủy (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) nhờ em gái viết đơn cầu cứu đến các cơ quan thẩm quyền vì không được bố trí làm việc theo hợp đồng, bị thu giữ giấy tờ tùy thân, không cho liên lạc về gia đình, không được chủ trả lương đầy đủ.

Tại kỳ họp thứ IX HĐND tỉnh Bắc Kạn đầu tháng 12-2014, lãnh đạo UBND tỉnh đặt ra nhiều băn khoăn về 25 lao động nữ đang gặp khó khăn ở Ả Rập Saudi. Họ được Công ty CP Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long đưa sang quốc gia này từ tháng 4-2014 trở về trước. Tất cả người lao động (NLĐ) không được cấp thẻ lao động, thiếu việc làm, rơi vào cảnh túng quẫn. Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi đã thực hiện bảo hộ công dân, đưa 7 lao động về nước vào cuối tháng 12-2014, số còn lại hồi hương trong tháng 1-2015.

 

Ra nước ngoài làm việc trong nhà máy, lao động nữ ít gặp rủi ro hơn sang Ả Rập Saudi làm giúp việc gia đình
Ra nước ngoài làm việc trong nhà máy, lao động nữ ít gặp rủi ro hơn sang Ả Rập Saudi làm giúp việc gia đình

 

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), đến cuối năm 2014, có khoảng 4.000 lao động nữ Việt Nam sang Ả Rập Saudi làm công việc GVGĐ, trong đó có khoảng 60 trường hợp bị rủi ro.

Tỉ lệ rủi ro dựa trên tổng số lao động đang làm việc được đánh giá là thấp. Tuy nhiên, các vụ việc tương tự có thể gia tăng, không chỉ tạo áp lực lớn đến chính sách bảo hộ công dân mà còn gây lo ngại cho nhiều gia đình. Ông Đoàn Kiến Trung, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi, chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro đối với NLĐ, như: chủ giao việc không đúng hợp đồng, bắt làm việc quá sức, thời gian làm việc trong ngày kéo dài; ốm đau không được chăm sóc y tế đầy đủ; trả thiếu lương hoặc bị nợ lương. Một phần nguyên nhân cũng do lỗi của NLĐ khi không đáp ứng yêu cầu công việc, nại lý do đòi về nước dẫn đến phá vỡ hợp đồng.

Được biết, hiện có trên 50 DN cung ứng lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi. Trong tổng số 42 hợp đồng đưa lao động sang làm việc ở khu vực Trung Đông do DN đăng ký từ ngày 21-8 đến 31-12-2014 được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện, có đến 26 hợp đồng cung ứng lao động sang Ả Rập Saudi làm GVGĐ và lái xe trong gia đình với số lượng 1.876 người. Hoạt động tuyển dụng được cho là khá nhộn nhịp, trong đó không ít DN tuyển dụng không đúng đối tượng, tuyển qua cá nhân, trung gian không có chức năng.

 

Nhắm mắt đưa chân!

Những rủi ro khi làm GVGĐ ở Ả Rập Saudi báo chí từng thông tin, NLĐ cũng đã biết phần nào nhưng vẫn chấp nhận nhắm mắt đưa chân. Mới đây, cũng thông qua đường dây nóng Báo Người Lao Động, một lao động nữ (ngụ tỉnh Lào Cai) xin tư vấn về GVGĐ ở Ả Rập Saudi. Dù được cảnh báo nhiều rủi ro nhưng bạn đọc này cho biết “vẫn phải đi vì không thể lui bước được nữa”.

 

Lựa chọn là ở người lao động

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề lao động GVGĐ ở Ả Rập Saudi.

* Phóng viên: Bộ LĐ-TB-XH phản ứng như thế nào trước việc vừa qua, nhiều lao động nữ ở Ả Rập Saudi kêu cứu vì bị đối xử tồi tệ?

- Ông Nguyễn Thanh Hòa: Chúng tôi đã làm việc với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi để bàn về việc này. Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng các DN ngồi lại với nhau phân tích các vụ việc. Cái nào thuộc lỗi DN, cái nào thuộc lỗi NLĐ phải làm rõ để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.

* Nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi vì nhiều rủi ro nhưng vào tháng 9-2014, Bộ LĐ-TB-XH lại ký thỏa thuận về tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm GVGĐ tại Ả Rập Saudi...

- Việc ký thỏa thuận là để tạo ra khung pháp lý bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ. Chúng ta xác định đây là thị trường trọng điểm, phải thúc đẩy phát triển bền vững. Bền vững là phải ít rủi ro, quyền lợi NLĐ được bảo đảm.

* Việc Ả Rập Saudi cần nhiều lao động GVGĐ Việt Nam là do Philippines, Indonesia rút lao động của họ về nước. Có nên thế chỗ như vậy hay không?

- Nói như thế là không khách quan. Chúng ta mở thị trường này là tạo thêm sự lựa chọn cho NLĐ. Vấn đề là phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, hạn chế thấp nhất rủi ro cho NLĐ.

Duy Quốc thực hiện

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo