Chiều 28-5, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp với Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) và 24 quận huyện để bàn giải pháp chống ngập. Tại buổi làm việc này, ông Tuyến yêu cầu Trung tâm Chống ngập cần báo cáo đánh giá một cách khoa học và đầy đủ hơn. Nói sao cho người dân hiểu chứ không chỉ dùng những từ chuyên môn như "tụ nước", gây bức xúc trong xã hội.
Trước đó, báo cáo tình hình ngập của TP trong thời gian qua, Trung tâm Chống ngập cho rằng ngoài 10 điểm ngập, do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên xuất hiện tình trạng tụ nước trên 22 tuyến đường. Cách dùng từ này đã gặp phải phản ứng dữ dội của dư luận. Không bức xúc sao được khi người dân khó nhọc lội bì bõm giữa dòng nước mênh mông, suốt một đoạn đường dài, vậy mà cơ quan chống ngập lại chỉ cho đó là tụ nước. Không giận sao được khi cái người dân cần là hết ngập, có được giải pháp hiệu quả chứ không phải sự thay tên để rồi họ lại hì hục đẩy xe, "bơi" trong biển nước sau mỗi trận mưa lớn.
Người dân lội bì bõm giữa dòng nước mênh mông, vậy mà cơ quan chống ngập lại chỉ cho đó là tụ nước (ảnh: SỸ ĐÔNG)
Cũng cái kiểu nói tránh mà vừa qua Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã gây bão dư luận khi đổi tên "trạm thu phí" thành "trạm thu giá". Lý giải của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể rằng phí do HĐND, Quốc hội quyết định; còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác…, càng như "châm dầu vào lửa". Bởi ngoài việc đổi tên "trạm thu phí" thành "trạm thu giá" vừa thiếu chuẩn mực ngôn ngữ, vừa không có trong từ điển tiếng Việt, thì vấn đề bức xúc của người dân về tính minh bạch, vị trí đặt trạm, khoảng cách, mức thu phí của các trạm… vẫn không được giải quyết. Thu giá hay thu phí thì bản chất cũng là thu tiền của người dân khi sử dụng đường BOT, lợi ích của người dân vẫn chưa được tính tới nên việc đánh tráo khái niệm chỉ càng khiến dư luận "sục sôi", người dân càng thêm mất niềm tin vào các dự án BOT.
Trên đây là 2 vụ việc nổi cộm nhất trong thời gian gần đây. Trước đó, các vụ kẹt xe kéo dài ở TP HCM được giám đốc Sở GTVT TP cho rằng "chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được"; đoạn cong ở đường Trường Chinh (Hà Nội) lại được Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định là "đường cong mềm mại", về cơ bản không ảnh hưởng đến công trình, giao thông và các vấn đề kỹ thuật khác; vụ vỡ đê Hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ- Hà Nội) được Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng "vỡ theo kế hoạch"… khiến các nhà ngôn ngữ học chóng mặt, còn người dân chỉ biết lắc đầu bởi những kiểu "sáng tạo" ngôn ngữ đỉnh cao này.
Vỡ đê Hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ- Hà Nội) làm đảo lộn cuộc sống người dân lại được cho rằng "vỡ theo kế hoạch" (ảnh: NGUYỄN HƯỞNG)
Suy cho cùng mục đích của việc nói tránh trên cũng chỉ để làm giảm nhẹ đi sự việc đang bị dư luận bức xúc; đồng nghĩa với việc làm nhẹ trách nhiệm của người phải chịu trách nhiệm, còn bản chất sự việc không hề thay đổi. Thật ra, người dân không quan tâm đến ngôn từ, cái họ cần là những người có trách nhiệm dũng cảm nhìn vào thực tiễn đang diễn ra, đối diện với những yếu kém trong quản lý nhà nước, thật tâm tìm giải pháp khắc phục hiệu quả để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân khi đã chắt chiu từng đồng tiền đóng thuế để nuôi bộ máy công quyền.
Bình luận (0)