Chiều 31-10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) đã chủ trì cuộc họp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Trưởng Đoàn Đại biểu QH TP HCM Huỳnh Thành Lập về kiến nghị của TP HCM gặp khó khăn trong tổ chức cai nghiện tập trung do vướng Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định
Tại cuộc họp, ông Huỳnh Thành Lập đã báo cáo về tình hình người nghiện ở TP HCM đang rất phức tạp, trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quá rắc rối, mất nhiều thời gian trong việc đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung.
Theo đó, TP HCM đề xuất đưa người nghiện vào trung tâm bảo trợ xã hội trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, theo ông Lập, nếu đưa vào đó thì lại vướng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhất là Hiến pháp mới đề cao quyền con người, quyền công dân. Chưa có quyết định của tòa án thì chưa thể coi người đó là người bị bắt buộc phải đi cai nghiện. “Vì vậy kiến nghị QH cho phép dưới hình thức một nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của nghị quyết về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, giao cho TP HCM quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho các tổ chức xã hội) trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa đi cai nghiện tập trung” - ông Lập bày tỏ.
Sau khi nghe báo cáo và kiến nghị của TP HCM, các cơ quan, bộ, ngành hữu quan đã phân tích đánh giá thực trạng của tình hình nghiện ma túy hiện nay. Ông Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, chủ trì cuộc họp - nhấn mạnh: “Vấn đề người nghiện không chỉ là chuyện riêng của TP HCM mà còn ở nhiều nơi khác khi tình hình nghiện ma túy vẫn phức tạp, số người nghiện tăng lên trong khi việc triển khai thi hành luật, việc ban hành các văn bản thi hành pháp luật để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn thiếu”.
Cũng theo ông Luyến, qua phân tích kiến nghị của TP HCM thấy rằng không có trong quy định của luật nên rất vướng vì luật không cho phép lưu giữ hành chính. “Nếu áp dụng đề xuất của TP HCM thì phải sửa luật mà hiện nay thì không thể sửa luật được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ đưa kiến nghị của TP vào báo cáo để Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định” - ông Luyến khẳng định.
Được biết tuần tới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH sẽ có cuộc tham vấn chuyên gia về vấn đề này, sau đó cùng Ủy ban Pháp luật sẽ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét để có quyết định cuối cùng.
Có thể ban hành nghị quyết của Quốc hội
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết về kiến nghị của TP HCM, Ủy ban Thường vụ QH giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội họp cùng các bộ, ngành chức năng để bàn thật cụ thể, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vướng mắc chỗ nào. Tình hình phức tạp cần phải khẩn trương bàn chọn phương án hữu hiệu nhất. Nếu thật sự cần thiết, ngay cả việc ra một nghị quyết riêng cho vấn đề này, QH đủ thẩm quyền.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đưa ra nguyên tắc: Một nhà nước pháp quyền thì tất cả mọi vấn đề liên quan đến quyền con người phải tuân thủ pháp luật. Tuy vậy, trong quá trình tuân thủ đó mà có những vấn đề không phù hợp với thực tiễn, không khả thi làm cho quá trình phức tạp hơn và không hiệu quả thì cơ quan nhà nước phải khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để có sự sửa đổi, bổ sung phù hợp. “Pháp luật phải vì con người. Nếu thấy điều nào, khoản nào chưa khả thi thì trình để sửa ngay. QH bằng một nghị quyết của mình có thể sửa điều đó để cho pháp luật đi vào cuộc sống và nghị quyết có giá trị như luật” - ông Quyền gợi ý.
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ
Chiều 31-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình hình vướng mắc trong cai nghiện bắt buộc tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Về đề xuất của TP HCM, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành phối hợp và đề xuất phương án tháo gỡ sớm ngày nào tốt ngày đó. Tôi cũng trao đổi với Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình để tới đây họp gút lại phương án”.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình dẫn chứng: Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước chỉ có hơn 200 người nghiện được tòa án ra phán quyết đưa đi cai nghiện. Nguyên nhân do vướng các quy định trong quá trình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính. “Tới đây dự kiến sẽ có hội nghị về vấn đề này, làm sao để một mặt bảo đảm quyền nhân thân nhưng thủ tục phải nhanh chóng, văn bản hướng dẫn phải cụ thể” - ông Bình cam kết.
Bình luận (0)