Có đi dạy học, có đứng lớp trực tiếp, vừa giảng dạy vừa quản lý vài chục HS trong một giờ học mới thấu hiểu những bức xúc, mệt mỏi, căng thẳng và chán nản khi HS không chú ý hoặc vi phạm kỷ luật trong giờ học. Việc xử phạt HS thực sự, với đa số giáo viên (GV), là một việc làm cực chẳng đã, giải pháp cuối cùng.
Đòn đau nhớ đời
Nhưng xử phạt HS như thế nào, bằng hình thức nào để các em ý thức được những sai phạm của chính các em để các em tự sửa lỗi. Xử phạt để không bị tác dụng "ngược", gây nên những bức xúc không chỉ cho phụ huynh mà cho chính HS. Hình thức xử phạt ngoài mục đích giáo dục nhân cách cho HS là sự tự ý thức, tự giáo dục còn đem lại giá trị sống và mang đậm tính nhân văn đối với các em.
Trong thực tế từ "kỷ luật" thường được hiểu nhầm là "khống chế", "trừng phạt", đặc biệt là trừng phạt thân thể. Tuy nhiên, đó không phải là nghĩa thật của từ "kỷ luật" đối với HS trong trường học.
Do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và cách giáo dục truyền thống "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", hoặc "miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời", nhiều GV sử dụng các hình thức như mắng nhiếc, sỉ nhục, phạt quỳ… Tuy nhiên, trừng phạt về thân thể (tát, đánh, véo, giật tóc, buộc học sinh đứng ở một nơi nóng bức hoặc lạnh lẽo, tối tăm,…) hay trừng phạt về tinh thần (la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi, chửi rủa,…) có thể làm mất đi sự tự tin của HS, khiến HS không thích, thậm chí căm ghét trường học. Trừng phạt thân thể và những hành động làm mất danh dự HS có thể để lại những vết sẹo trong tâm hồn các em.
Đặc biệt, với biện pháp đuổi học thể hiện sự bất lực của người làm công tác giáo dục. Vô hình chung chúng ta đẩy ra ngoài xã hội những "sản phẩm chưa hoàn thiện, kém chất lượng" và đó chính là "mầm mống" của các hiện tượng tiêu cực gây rối loạn trật tự xã hội.
Kỷ luật tích cực
Giáo dục kỷ luật tích cực là các biện pháp kỹ thuật tôn trọng trẻ và không mang tính bạo lực. Đây là cách tiếp cận mang tính giáo dục, giúp trẻ thành đạt, cung cấp cho HS thông tin cần để học và hỗ trợ sự phát triển của các em. Giáo dục kỷ luật tích cực (động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học…) xây dựng sự tự tin cho HS và nuôi dưỡng lòng ham thích học tập của các em.
Biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực giúp học sinh tự nhận thức được bản thân, giúp các em nhận biết được đúng sai để điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tích cực, tự kiểm soát hành vi, thái độ trên cơ sở các quy định, quy ước đã được xây dựng. Đây là biện pháp giáo dục hữu hiệu, cung cấp cho các em thông tin cần thiết để được giáo dục toàn diện và hỗ trợ sự phát triển của các em. Tăng cường biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực trong nhà trường là biện pháp giáo dục HS không sử dụng đến các hình thức bạo lực, trừng phạt, trong đó GV, nhà quản lý giáo dục áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực, phù hợp để giúp HS giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố các hành vi tích cực và phát triển nhân cách một cách toàn diện, bền vững.
Những hình phạt tích cực
Trồng cây xanh: Yêu cầu HS có thể trồng hoặc chăm sóc vườn cây, vườn rau trong khuôn viên của trường. Những chậu cây do HS trồng nếu phát triển tốt có thể dùng làm chậu cảnh cho lớp học, tạo không gian trong lành, thoáng mát, giảm bớt sự căng thẳng trong lớp học.
Lao động tích cực: HS bị phạt sẽ vệ sinh trường lớp, tự khắc phục hậu quả do xả rác, viết bậy, làm hư hại cơ sở vật chất của trường... Biện pháp này giúp HS biết trân trọng môi trường, giữ gìn cảnh quan xung quanh.
Đọc sách: Những HS không thuộc bài, thường xuyên viết sai chính tả, tập làm văn chưa đạt yêu cầu, chạy giỡn,…, GV yêu cầu HS đến thư viện của trường tìm đọc một cuốn sách mà GV giới thiệu. HS sẽ phải chia sẻ những gì đã đọc và học trong giờ sinh hoạt lớp.
Giáo dục kỷ luật bằng những biện pháp tích cực không phải là việc đơn giản, dễ thực hiện. Để có thể chấm dứt việc sử dụng các hình thức "kỷ luật tiêu cực" trong lớp học, giáo viên cần có lòng kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ và yêu thương các em. GV thực sự trở thành "bạn của trẻ" để giải thích, chỉ rõ những lỗi lầm mà trẻ mắc phải, giúp trẻ biết cách sửa chữa.
Bình luận (0)