Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc (LHQ) giai đoạn 2015-2020, 4/8 khu vực trên thế giới hiện có mức sinh dưới mức sinh thay thế: cụm châu Âu - Bắc Mỹ; cụm Úc - New Zealand; cụm Đông - Đông Nam Á; cụm Mỹ Latin - Caribe.
Châu Á: Khẩn cấp ứng phó
Mức sinh thay thế để bảo đảm sự ổn định về dân số - cả số lượng và cơ cấu - là tổng tỉ suất sinh (TFR) phải đạt 2,1, tức là trung bình mỗi phụ nữ ở nơi đó sinh được 2,1 con trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ngay tại các quốc gia mà phụ nữ vốn sinh nhiều con, mức sinh đang giảm thấp không tưởng, buộc nhà nước phải khẩn cấp can thiệp.
Trung Quốc gây ra cơn địa chấn vào tháng 1-2023 khi công bố thông tin dân số giảm 850.000 người, xuống còn chưa đến 1,412 tỉ dân vào năm 2022. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, TFR của nước này đã ổn định ở con số 1,66 suốt năm 1991 đến 2017 do chính sách một con. Thế nhưng khi chính sách này được dỡ bỏ, tình hình vẫn không thay đổi. Thậm chí, mức sinh giảm mạnh xuống 1,28 vào năm 2020 và chỉ còn 1,15 trong năm 2021, một phần do tác động của đại dịch COVID-19. Theo LHQ, chính phủ Trung Quốc đã nhìn thấy khả năng giảm dân số từ vài năm trước và đó là nguyên nhân nước này ban hành "chính sách 3 con" vào tháng 5-2021.
Phân tích về hiện tượng này, ông Yang Wenzhuang, người đứng đầu bộ phận giám sát dân số và phát triển gia đình của Trung Quốc, chỉ rõ những lo ngại về chi phí chăm sóc trẻ em tác động bất lợi đến sự gia tăng dân số, bên cạnh thách thức về tài chính và mục tiêu nghề nghiệp. "Chính quyền địa phương nên được khuyến khích tích cực khám phá và đưa ra những đổi mới táo bạo trong việc giảm chi phí sinh nở, chăm sóc trẻ em và giáo dục" - ông Yang Wenzhuang nhấn mạnh.
Chính sách một con khiến dân số của Trung Quốc giảm 850.000 người vào năm 2022 Ảnh: REUTERS
Một điển hình được ca ngợi ở Trung Quốc là tỉnh Tứ Xuyên, nơi các điều luật lỗi thời được dỡ bỏ để khuyến khích các cặp đôi sống chung nhưng chưa kết hôn phát triển gia đình, sinh con và hưởng các chế độ như các cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn; kèm với lời tuyên bố chung là các cặp đôi có thể "sinh bao nhiêu con tùy thích".
Trước viễn cảnh TFR giảm kỷ lục vào năm 2022, chính phủ Hàn Quốc khẩn cấp đưa ra biện pháp ứng phó bằng cách tăng gấp 3 lần trợ cấp cho trẻ sơ sinh. Ở Hàn Quốc, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Moon Jae-in, khoản trợ cấp 300.000 won (khoảng 223 USD) mỗi tháng đã được trao cho mỗi gia đình có con mới sinh trong năm đầu tiên. Đề xuất ngân sách của Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol công bố vào tháng 8-2022 đã nâng mức này lên 700.000 won (khoảng 521 USD) từ năm 2023 và 1 triệu won (khoảng 745 USD) kể từ năm 2024 cho mỗi tháng trong năm đầu đời của đứa trẻ. Bên cạnh đó là khoản trợ cấp bằng 50% của năm đầu đời tiếp tục được chi trả trong giai đoạn trẻ 12-24 tháng. TFR ở Hàn Quốc năm 2022 chỉ là 0,76 - một trong những mức sinh thấp nhất thế giới.
TFR của Nhật Bản cũng thấp kỷ lục - với mức giảm dân số hàng trăm ngàn người vào đầu năm 2023. Nhật Bản lo ngại dân số 125 triệu người hiện tại có thể chỉ còn 88 triệu vào năm 2065. TFR của nước này hiện vẫn ở mức 1,3; trong khi số người trên 65 tuổi đã chiếm hơn 28% dân số.
Chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio đang vạch ra các kế hoạch nhằm cải thiện tình hình, bao gồm tăng mức trợ cấp cho trẻ em, tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ sau giờ học, tăng chế độ nghỉ phép của cha mẹ… Kế hoạch chi tiết dự kiến hoàn tất vào tháng 6-2023. Một số chuyên gia cho rằng một trong những lý do khiến chính sách khuyến sinh duy trì nhiều năm qua của Nhật Bản không thành công là vì chỉ mới nhắm vào các bậc cha mẹ, trong khi không tự hỏi vì sao người trẻ tuổi lại miễn cưỡng với việc lập gia đình.
Nghịch lý ở châu Âu
Châu Âu từ lâu cũng đối mặt với việc TFR của các quốc gia liên tục giảm. Dù vậy, nhiều điểm sáng nổi bật đã xuất hiện trong thế kỷ XXI. Ví dụ, quốc gia nổi tiếng với tỉ lệ phụ nữ tham gia vào vị trí quản lý đạt 43% (cao hơn nhiều so với trung bình 25% của châu Âu), tỉ lệ phụ nữ có việc làm trên 83% và một xã hội luôn ca ngợi hình mẫu phụ nữ tự do, có sự nghiệp vững chắc, cũng là nơi có tổng tỉ suất sinh đáng mơ ước: Pháp. Theo dữ liệu mới nhất từ Eurostat, dù giảm trong những năm đại dịch nhưng TFR của Pháp năm 2021 vẫn cao nhất châu Âu với con số 1,83. Một số năm trước đó, TFR của Pháp còn vượt qua mốc 1,9.
Người Pháp tự hào rằng chiếc "chìa khóa vàng" của họ chính là những nỗ lực nhằm nâng cao bình đẳng giới, khiến việc làm mẹ không còn là nghĩa vụ quá khó khăn với phụ nữ.
Trong một bài phân tích trên báo The Guardian (Anh) về tình hình chung của châu Âu, các chuyên gia chỉ rõ một nghịch lý: Quốc gia nào càng xem nặng việc phụ nữ phải gắn liền với bếp núc và con cái thì mức sinh càng thấp. Ngược lại, ở những nơi phụ nữ có điều kiện tập trung cho sự nghiệp dù đã có con, những quan niệm và điều luật lỗi thời không ủng hộ những bậc cha mẹ đơn thân và con cái của họ được dỡ bỏ thì tỉ suất sinh được phục hồi nhanh chóng. Nhà nhân khẩu học Ron Lesthaeghe, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Bỉ, nhìn nhận bản đồ tỉ suất sinh của Liên minh châu Âu (EU) cũng tương đồng với bản đồ nhà trẻ.
Ngoài TFR đứng đầu châu Âu, Pháp còn đứng đầu về mức độ chịu chi cho các chính sách gia đình. Theo báo Le Monde (Pháp), khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp đang được chi cho "các kỳ nghỉ phép đầy ưu ái" với người đang có con nhỏ và các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ… Một số nước châu Âu khác giữ được TFR khá tốt (khoảng 1,8) cũng có mức chi lớn như: Thụy Điển chi 3,5%, Na Uy và Phần Lan chi hơn 3%…
Nhà nước được coi là đóng vai trò chính trong việc này, bởi thoát khỏi các quan niệm lỗi thời khiến phụ nữ hạn chế sinh con sẽ là chưa đủ nếu chính phủ không cung cấp cho phụ nữ - và cả chồng của họ - điều kiện cần thiết. "Ở Nam Âu và Đức, quan niệm chung là các gia đình chịu trách nhiệm về trẻ em chứ không phải nhà nước. Đây là do lịch sử, không phải là trường hợp ở Pháp hay khu vực Scandinavia, nơi công chúng chấp nhận sự can thiệp của nhà nước vào các vấn đề gia đình ở mức độ cao để mở nhà trẻ và trường mầm non, bao gồm cho trẻ sơ sinh" - nhà nhân khẩu học Laurent Toulemon, Viện Nghiên cứu nhân khẩu học quốc gia Pháp (INED), nói.
Theo LHQ, đưa phụ nữ sớm trở lại công việc cũng là một phần chính trong chính sách khuyến sinh nhiều năm nay của Úc. Báo cáo của Cục Thống kê Úc năm 2020 cho thấy 78% phụ nữ trong độ tuổi 30-39 tham gia lực lượng lao động và 60% bà mẹ bận rộn với con nhỏ tìm được công việc bán thời gian phù hợp. Năm 2009, Quốc hội Úc đã thông qua một đạo luật quy định rằng cha mẹ hoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ ở độ tuổi đi học hoặc nhỏ hơn có thể yêu cầu sắp xếp công việc linh hoạt, bao gồm cả số giờ, mô hình và địa điểm làm việc, nếu người vợ hoặc chồng đã làm việc cho một cơ quan, doanh nghiệp nào đó từ 12 tháng trở lên.
Các biện pháp khuyến sinh, ứng phó nguy cơ già hóa dân số từ chính các quốc gia đối mặt với TFR giảm là bài học cần thiết cho Việt Nam, để chúng ta tiếp tục duy trì mục tiêu giữ vững tỉ suất sinh thay thế, giữ vững cơ cấu dân số vàng, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững trong tương lai.
Giúp phụ nữ thoải mái và sẵn sàng làm mẹ
Nhà nhân khẩu học Laurent Toulemon phân tích rằng ở một số quốc gia "chuẩn mực" trên thế giới, việc áp đặt phụ nữ sinh con đã gây tác dụng ngược. Ví dụ, nếu các cô gái trẻ bị nhắc nhở phải lấy chồng, sau khi lấy chồng phải tuân thủ nền nếp, sinh con, thậm chí nghỉ việc để ưu tiên cho gia đình..., họ có thể bị đẩy đến sự lựa chọn "tất cả hoặc không gì cả". Ở quốc gia có tỉ suất sinh mơ ước như Pháp, "chiếc hộp gia đình" linh hoạt hơn. Người ta không có nghĩa vụ phải kết hôn và sinh con. Phụ nữ sẽ không bị chê trách nếu gửi con cho các dịch vụ chăm sóc từ nhỏ và tiếp tục tham gia lực lượng lao động. Những điều này được cho là bạn đồng hành hữu hiệu của các chính sách hỗ trợ trẻ em và nâng cao bình đẳng giới nói chung, giúp phụ nữ Pháp thoải mái và sẵn sàng làm mẹ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-4
Bình luận (0)