Chúng tôi đến đây vào những ngày giáp Tết, trong không khí hân hoan chào đón năm mới. Khác với những nơi khác, người dân nơi đây vui hơn, đặt ra nhiều kế hoạch tươi mới hơn trong năm Tân Sửu.
Cầu thép An Phú Đông từ ngày thông xe, việc đi lại của bà con quận 12, Gò Vấp rất thuận lợi, không chỉ rút ngắn cự ly, tiết kiệm mà còn thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội cho người dân quanh khu vực
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, tổ trưởng tổ 27, KP 2, phường An Phú Đông, cho biết người dân quanh vùng kinh tế chính vẫn là trồng trọt, chăn nuôi nhưng khi cây cầu khởi công, nhiều hộ mở thêm hàng quán, tiệm tạp hóa góp phần nâng cao thu nhập. Đặc biệt, giá đất đường Vườn Lài (quận 12) tăng cao, gấp 2 so với trước, từ 55 triệu - 80 triệu đồng/mét vuông tùy vị trí.
Những người dân cố cựu như ông Nguyễn Văn Tài - bên phải ( đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12) vui mừng khôn siết khi có cầu thay phà.
Chú Hai, chủ quán Bến Đò Xưa (quận 12) "ăn theo" cầu thép, quán mở được 4 tháng. "Quán tuy nhỏ, không đông khách nhưng mỗi ngày cũng đủ tiền đi chợ, vui lắm", chú Hai chia sẻ.
Ở khía cạnh khác, những người dân sống nhờ bến phà An Phú Đông nhiều năm nay (trên đường Trần Bá Giao, quận Gò Vấp) khi bến phà đóng cửa, họ phải sắp xếp lại cuộc sống, công việc mưu sinh. Người chuyển chỗ trọ đến nơi khác buôn bán (thay vì bán cho người đi phà như trước), người đi làm công nhân nhưng cũng có những người vẫn bám trụ, chờ sắp xếp lại công việc sau Tết.
Đường Trần Bá Giao (phường 5, Gò Vấp) đã thông thoáng hơn. Bà con trang hoàng dọc tuyến đường, chuẩn bị đón Tết.
Ông Hai Tây - sống trên đường Trần Bá Giao,"gà trống nuôi con", tin rằng, nếu cố gắng sẽ tìm được chỗ mới với giá thuê tốt.
Cầu thép An Phú Đông bắc qua sông Vàm Thuật dài 240m, rộng 12,5m cho 2 làn ô tô (nối quận 12 và Gò Vấp, TP HCM) thay thế phà An Phú Đông, đưa vào sử dụng giúp người dân thoát cảnh "qua sông lụy đò".
Bình luận (0)