Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng làm chính sách cũng phải nghiên cứu và đưa ra đề xuất nhưng nghiên cứu mà không đi thực địa thì không sát cơ sở, không biết dân cần gì, muốn gì.
Không thể làm hết mọi việc
“Bộ trưởng vi hành tới điểm nóng nào thì chỗ đó được giải quyết nhưng bộ trưởng không thể đi hết các vùng miền, không thể một mình làm hết mọi việc. Cần phải có các cánh tay của mình như thứ trưởng, giám đốc sở để chỉ đạo, phối hợp đồng bộ” - bà Khá nói.
Tuy nhiên, theo bà Khá, có một “khoảng trống” trong quy định về điều hành, chỉ đạo thông suốt hiện nay, đó là giám đốc sở do tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý dẫn tới tình trạng bộ trưởng muốn nhưng cũng không thể cách chức được giám đốc sở.
Sau 2 đợt Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra, bề mặt Quốc lộ 1, đoạn tránh TP Huế đã được thảm nhựa lại
Ảnh: QUANG NHẬT
“Tôi đề nghị Chính phủ phải làm rõ quản lý ngành và quản lý theo lãnh thổ, quản lý theo ngành dọc, ngành ngang ra sao. Cần phải có một đề án quy trách nhiệm rõ ràng để khi sai phạm chuyên môn thì có chế tài xử lý. Phải tăng thêm quyền về nhân sự cho bộ trưởng ở địa phương để bộ trưởng không phải ra đường thường xuyên và dành thêm thời gian cho nghiên cứu chính sách, chiến lược” - bà Khá đề xuất.
Để tăng tính hiệu quả, xuyên suốt trong thực thi công vụ, bà Khá đề nghị tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa chỉ đạo chuyên môn của bộ trưởng với quản lý nhân sự của chính quyền địa phương. Muốn xử lý sai phạm, phải kết hợp kiểm điểm về chuyên môn và quản lý.
Phải lôi kéo được thuộc cấp
ĐBQH TP HCM Võ Thị Dung băn khoăn nếu bộ trưởng không ra thực địa thì không thể khái quát được thực tiễn để làm chính sách. “Tôi ủng hộ việc Bộ trưởng Thăng và những bộ trưởng khác chịu khó ra hiện trường nhưng không ủng hộ việc lạm dụng cũng như xuống kiểu qua quýt cho xong việc” - bà Dung nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng ý kiến của ĐB Cao Sỹ Kiêm về việc “Bộ trưởng Thăng phải ngồi nhà nhiều hơn chứ không nên chạy ra đường giải quyết mấy vụ việc vụn vặt” là một ý kiến mang tính cảnh báo chứ không phải chê trách. “Ông Kiêm muốn nhắc nhở các vị tư lệnh ngành nên tham khảo hoạt động của Bộ trưởng Thăng, coi đó như là một bài học cho những người lãnh đạo đất nước. Bộ trưởng phải là người cầm quân ra trận, sau lưng mình còn hàng vạn người. Nếu bộ trưởng lôi kéo được thuộc cấp của mình cùng lao vào trận chiến khắc phục những tồn tại, yếu kém thì đó là hạnh phúc của nhân dân, đất nước” - bà Thu nêu ý kiến.
Bộ trưởng vi hành, dự án triển khai nhanh
Dự án nhà ga mới hành khách sân bay Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ tháng 12-2007 với tổng vốn đầu tư hơn 1.345 tỉ đồng. Theo kế hoạch, nhà ga đưa vào khai thác từ quý I/2010 nhưng việc thi công ì ạch khiến dự án chậm tiến độ gần 2 năm.
Ngày 4-10-2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vào thị sát, quyết định “trảm” ông Đặng Hồng Cương, trưởng ban quản lý dự án; điều ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Miền Nam (SAC), ra thay ông Cương. Ngay sau đó, tiến độ dự án được đẩy nhanh. Cuối tháng 12-2011, nhà ga mới sân bay quốc tế Đà Nẵng đưa vào hoạt động đúng tiến độ.
Tương tự, tuyến Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Huế (Thừa Thiên - Huế) dài gần 36 km được nâng cấp, sửa chữa đưa vào sử dụng ngày 22-9-2013 với kinh phí 482 tỉ đồng. Tuy nhiên, chưa đầy một năm, tuyến đường này có nhiều đoạn bị lún.
Trong chuyến công tác dọc các tỉnh miền Trung vào ngày 10-7, Bộ trưởng Thăng đến kiểm tra tuyến đường này, yêu cầu bóc hết mặt đường tại các điểm lún để thảm nhựa lại. Ngày 25-7, ông Thăng đã quay lại kiểm tra, buộc chủ đầu tư, các nhà thầu phải nâng thời gian bảo hành từ 1 năm lên 2 năm.
Cũng trong 2 đợt công tác trên, Bộ trưởng Thăng đã làm việc với Công ty CP Liên danh Phước Tượng - Phú Gia (đơn vị chủ đầu tư hầm Phước Tượng và Phú Gia tại tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng các nhà thầu thi công. Bộ trưởng Thăng đã phê bình nghiêm khắc chủ đầu tư về năng lực vốn quá yếu khiến tiến độ thi công chậm. Đồng thời, ông cũng tiếp thu, giải quyết những vướng mắc như việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không cho nổ mìn thi công tại hầm Phước Tượng.
Ông Nguyễn Đăng Ý, Trưởng Ban Quản lý dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia, cho biết chính nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của bộ trưởng ngay tại hiện trường nên phía đường sắt đã đồng ý cho nổ mìn thi công. “Việc này rút ngắn thời gian từ 10-15 ngày so với báo cáo bằng văn bản, tiến độ thi công nhờ vậy mà nhanh hơn” - ông Ý nói.
H.Dũng - Q.Nhật
Bình luận (0)