Cũng mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh nhóm người to tiếng cự cãi trong lúc xếp hàng mua khẩu trang chống dịch Covid-19 tại một nhà thuốc ở quận 4 (TP HCM).Trước đó, tại sân bay Nội Bài (TP Hà Nội), trong khi hành khách xếp hàng chờ nhân viên hàng không kiểm soát thẻ lên máy bay, 2 nhóm khách nữ đi cùng chuyến bay đã xô xát, to tiếng với nhau cũng liên quan đến việc xếp hàng, giành đi trước.
Thiếu ý thức xếp hàng của không ít người Việt là chuyện không mới. Thói xấu ấy bộc phát ở mọi lúc, mọi nơi. Từ các nhà ga, sân bay, chợ, điểm tham quan đến trường học, bệnh viện, đền chùa, sân vận động… Đặc biệt khi có chương trình khuyến mãi, giảm giá thì tình trạng chen lấn lại càng được dịp "bùng phát".
Tại sao người Việt thích chen lấn, xô đẩy hơn là tuần tự đợi đến phiên mình? Người Việt có biết xếp hàng không? Xin thưa, biết cả, thậm chí nghiêm túc chẳng kém ai nhưng với điều kiện bị bắt buộc chứ ít khi tự giác. Ví dụ, tại những nơi có căng dây, rào chắn bắt buộc xếp hàng. Nhưng nếu không bắt buộc hoặc vài ba người nhốn nháo xen ngang, chỉ vài phút sau đã thành một đám đông hỗn loạn khi mọi người cùng xô đẩy, chen lấn, không ai nhường ai.
Cũng nên nhắc lại trong thời bao cấp, mọi người đều phải xếp hàng. Tuy nhiên, việc xếp hàng dần dần có tiêu cực, có tình trạng "xí" chỗ, bán chỗ đã "xếp gạch" và nếu quen biết thì sẽ có được các cách lấy hàng mà không phải xếp hàng. Chuyện đó ảnh hưởng tới tận bây giờ, khi mua vé xe, vé tàu, vé xem sự kiện nghệ thuật… đều có chuyện chen ngang.
Chúng ta hay so sánh với sự kỷ luật, nghiêm túc của người Nhật khi xếp hàng. Thế nhưng, với người Nhật, họ tin tưởng, biết chắc chuyến tàu tiếp theo sẽ đến và họ sẽ lên được tàu một cách công bằng nên ai cũng yên tâm và đồng thuận cao trong việc xếp hàng. Người Việt khi ra nước ngoài cũng xếp hàng và theo trật tự của nước sở tại nhưng khi về nước lại hành xử theo thói quen cố hữu.
Như vậy, để xếp hàng thành một nếp sống văn hóa thì không chỉ cần đến ý thức của mỗi người dân mà còn là ý thức của những người tổ chức, quản lý nữa. Không thể phê phán đám đông hỗn loạn là thiếu ý thức trong lúc những người tổ chức, quản lý cũng vậy vì ưu ái cho người quen, người nhà được phép chen ngang, đi tắt.
Bình luận (0)