Truy cứu trách nhiệm hình sự một người trong nhiều năm mà không ghi nhận được các dấu hiệu tội phạm nhưng thay vì ra một văn bản thừa nhận sai lầm, cơ quan điều tra lại ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do hết thời hiệu. Có thể tóm gọn trong vài từ như thế đối với câu chuyện đằng sau lá đơn kêu oan của một chủ doanh nghiệp bị cáo buộc cách nay hơn 10 năm vào các tội trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sợ bị phán xét
Trên thực tế, trường hợp này không hiếm gặp. Cứ cách ít lâu, báo chí lại đưa tin về những việc tương tự: ở nơi này, một người bị bắt do bị nghi vấn có hành vi giết người nhưng rốt cuộc thủ phạm lại là một người khác; ở nơi kia, một người bị đẩy vào chốn tù tội về hành vi cướp tài sản trong khi kẻ cướp đích thực đã cao chạy xa bay. Khi tình trạng oan sai đã được làm rõ, người bị oan lại đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm lại những giá trị vật chất, tinh thần của bản thân đã bị đánh mất hoặc bị hủy hoại do sự tắc trách của người được giao phận sự bảo đảm thực thi pháp luật.
Thật ra, người thực thi pháp luật không thừa nhận đã làm sai không phải vì muốn tránh cho nhà nước khỏi trách nhiệm bồi thường. Nói đúng hơn, họ không muốn bản thân bị quy trách nhiệm và phải đối mặt với sự phán xét do đã làm sai.
Ông Nguyễn Văn Bỉ, người bị khởi tố vì xây chòi vịt, cuối cùng đã được đình chỉ điều tra. Ảnh: Lê Phong
Sự phán xét theo luật pháp khá nghiêm khắc. Luật hình hiện hành ghi nhận các tội danh dành cho người tiến hành tố tụng phạm sai lầm trong quá trình tác nghiệp gây hậu quả thiệt hại cho công dân. Nói nôm na, người đẩy người khác vào vòng lao lý mà rõ ra là do nhầm lẫn có nguy cơ ngồi tù thế chỗ người bị oan sai.
Sự phán xét của dư luận xã hội cũng nặng nề không kém. Người làm sai có nguy cơ bị chê bai, dè bỉu, bị đánh giá thấp về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, thậm chí bị gán cho đủ thứ thói hư, tật xấu.
Để không ngại thừa nhận oan sai
Dưới áp lực của luật pháp và dư luận xã hội, thừa nhận sai lầm trong thực hiện chức năng bảo vệ công lý trở thành việc gì đó rất nặng nề, đầy ám ảnh khiến người ta ngán ngại. Tuy nhiên, có cách để ngăn chặn oan sai, hạn chế những toan tính bẻ cong sự thật khiến người lương thiện, vô tội, nạn nhân của sự quy kết nhầm lẫn chịu thiệt hại oan uổng. Kinh nghiệm của các nước cho thấy cách hữu hiệu nhất là nghiêm chỉnh tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.
Cụ thể, cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật tuyên rõ một người nào đó là có tội, người này phải được coi là một người bình thường như bao người khác. Cả trong trường hợp cần tạm cách ly với xã hội một người nào đó được gọi là nghi can để phục vụ cho công tác điều tra thì người bị cách ly vẫn có đầy đủ các quyền được pháp luật thừa nhận cho một chủ thể không phạm tội. Người tiến hành tố tụng khi tiếp cận với nghi can cần có tác phong chuyên nghiệp và phải ứng xử đúng mực. Đặc biệt, phải tôn trọng quyền im lặng và quyền biện hộ của người bị tình nghi; phải biết lắng nghe các ý kiến của người được thẩm vấn trong tâm thế khách quan, không định kiến, quy chụp.
Xử lý công việc với tinh thần dấn thân đầy công tâm và nhất là với thái độ điềm tĩnh, biết gìn giữ, tôn trọng phẩm giá con người thì người chịu trách nhiệm bảo đảm thực thi pháp luật có điều kiện hạn chế rủi ro sa vào sự sai lầm. Nếu lỡ mắc sai lầm thì nhà chức trách, xã hội cũng coi đó chỉ như một tai nạn nghề nghiệp và sẵn lòng tha thứ một cách rộng lượng, bao dung. Tất cả những điều đó giúp cho việc thừa nhận oan sai được coi là việc có tác dụng gỡ nút thắt, là việc nên làm để trả lại cho người này sự công bằng, đồng thời để lương tâm người kia không bị dằn vặt.
Suy cho cùng, ở đâu, lúc nào, người được trao quyền sinh sát cũng có thể phạm sai lầm.
Bình luận (0)