Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có phiên họp bàn về tăng mức tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động năm 2022. Thế nhưng, đại diện của đôi bên - phía doanh nghiệp (DN) là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phía người lao động (NLĐ) là Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã không "tìm được tiếng nói chung" trong việc tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ.
Đại diện của DN cho rằng thời điểm này chưa thể tăng lương tối thiểu vùng vì DN vẫn còn khó khăn sau 2 năm đại dịch kéo dài. Nhiều DN mới bắt đầu hồi phục và gượng dậy sau cơn "bệnh nặng" để tiếp tục đi vào hoạt động sản xuất.
Tăng mức tiền lương tối thiểu vùng đồng nghĩa là ngoài việc chi phí từ quỹ tiền lương trong DN sẽ tăng dẫn đến DN cũng bắt buộc phải tăng và đóng thêm các khoản chi phí khác, như chi phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng cho NLĐ và của cả DN. Do đó, việc tăng mức tiền lương tối thiểu vùng cho NLĐ, tỉ lệ tăng bao nhiêu... trong thời điểm này cũng đã khiến nhiều DN tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.
Trong khi đó, đại diện của NLĐ cho rằng trong 2 năm qua, việc liên tiếp không tăng tiền lương tối thiểu vùng đã khiến đời sống của hàng triệu lao động khó khăn hơn. Tiền lương tối thiểu vùng không tăng thì mọi chế độ của NLĐ về BHXH như chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn và các chế độ khác về BHXH đều được giải quyết và chi trả theo mức lương cũ.
Làm một phép tính đơn giản: Với gần 200 lao động trong DN, nếu mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2022 thống nhất tăng 5% (lấy bằng với mức tăng lương tối thiểu vùng của năm 2019) thì một tháng, ngoài mức lương của NLĐ tăng thêm, DN sẽ phải đóng thêm các khoản chi phí, các khoản trích nộp khác như chi phí đóng bảo hiểm cho cơ quan BHXH là trên chục triệu đồng. Mức tăng này vẫn nằm trong khả năng "chịu được" của DN nếu có được thêm sự hỗ trợ, tiếp sức từ Nhà nước, Chính phủ bằng các chính sách, cụ thể là sự điều tiết các chính sách về thuế, phí và BHXH như hiện nay.
Chẳng hạn, tiếp tục gia hạn hoặc miễn, giảm các loại thuế, phí, thuế thu nhập DN, chi phí đóng BHXH hằng tháng cho DN nếu DN còn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh: cho DN vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp từ các ngân hàng chính sách như hiện nay để DN trả lương cho NLĐ, thực hiện các nghĩa vụ trích nộp các loại thuế, chi phí cho Nhà nước, BHXH…
Bên cạnh đó, nên chăng tiếp tục duy trì và kéo dài chính sách hỗ trợ DN, như miễn 1% chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp cho DN hay 0,5 % chi phí đóng bảo hiểm tai nạn cho NLĐ của DN đến hết năm 2022 hoặc có thể kéo dài đến hết tháng 6-2023. Đó cũng là các biện pháp, chính sách nhân văn để tiếp sức, hỗ trợ cho DN, "bồi bổ" thêm để DN được khỏe hơn, mạnh hơn và có thể thực hiện ngay việc điều chỉnh, tăng mức tiền lương tối thiểu vùng cho hàng triệu công nhân, NLĐ sau hơn 2 năm "trễ hẹn" do đại dịch.
Bình luận (0)