Vì sao nhà cung cấp dịch vụ trạm thu phí Cai Lậy (Tiền giang) đã giảm giá qua trạm nhưng người sử dụng vẫn tiếp tục phản ứng? Đơn giản là họ có cần giảm giá đâu!
Có lẽ khi đưa ra quyết định giảm giá dịch vụ, các bên liên quan (Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư - Công ty TNHH BOT Tiền Giang) chưa tính toán rốt ráo cái gốc của vấn đề. Nhất là khi các thông tin về sự "mập mờ" ngày càng được soi rõ trên các phương tiện truyền thông. Ngày nào mà cơ quan giám sát của Quốc hội, Thanh tra của Chính phủ chưa vào cuộc để làm rõ ràng, minh bạch thì có thể người tham gia giao thông còn tiếp tục phản ứng.
Để càng lâu càng khó giải quyết mà thôi. Bởi khởi đầu chỉ là sự bộc phát của một nhóm tài xế, là người phải chịu thiệt thòi đầu tiên, giờ nó lan sang nhiều thành phần, từ người dân bình thường cho tới kỹ sư, luật sư, nhà báo và cả một số vị có tiếng nói trong Thường vụ Quốc hội.
Giới tài xế phản ứng không phải chỉ vì cái trạm thu phí Cai Lậy. Điều họ sợ là nếu trạm BOT này được tiếp tục thì sẽ còn bao nhiêu cái BOT vô lý như thế sẽ mọc lên? Họ không chấp nhận cái kiểu bị đặt vào sự đã rồi để rồi lại sử dụng chính đồng tiền của họ để sửa sai. Mà cái công việc thanh, kiểm tra này đâu phải là quá khó, người dân đã phải đóng góp tiền thuế, phí để Nhà nước lập ra nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Vì người dân hy vọng những cơ quan này sẽ thể hiện đúng chức năng như cái tên gọi của nó.
Vấn đề giải quyết bây giờ có phải là quá khó khăn hay không? Hay như ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói nếu thanh tra sẽ bất công cho chủ đầu tư? Sao lại là bất công? Thương trường như chiến trường, đầu tư có thể sinh lãi và có thể thua lỗ. Đó là quy luật hết sức bình thường. Tại sao những tuyến đường cao tốc, những cây cầu trọng điểm... khi người dân đi qua họ vẫn vui vẻ trả phí dù họ có nhiều lựa chọn khác? Đơn giản là vì có sự sòng phẳng, cho người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ nào mà họ thấy là hợp lý.
Giờ đây, điều người dân mong mỏi nhất là các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm minh bạch số tiền gần 400 tỉ đồng cái gọi là gia cố, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 và sửa chữa, nâng cấp các cây cầu trong dự án. Kể cả tính đến lợi nhuận sau đầu tư. Và có 2 phương án để giải quyết:
Một là, nếu cân đối được, Nhà nước có thể trích ngân sách hoàn trả vốn mua lại phần phát sinh của dự án này (kinh phí gia cố tăng cường 26,5 km Quốc lộ 1 và sửa chữa, nâng cấp các cây cầu) sau khi đã thanh, kiểm tra rõ ràng, khách quan, minh bạch; sau đó dời ngay trạm thu phí về tuyến đường tránh, giảm tối thiểu sự đóng góp của người dân.
Hai là, lắp đặt bảng điện tử thể hiện công khai thu - chi. Sau khi chủ đầu tư thu đủ (kinh phí đầu tư để gia cố tăng cường 26,5 km Quốc lộ 1 và sửa chữa, nâng cấp các cây cầu) thì dời trạm về đường tránh, đúng với bản chất của nó.
Còn về tuyến đường tránh, nó trở về đúng nghĩa là dịch vụ, ai cần thì đi, đi thì trả phí, thậm chí trả phí cao. Còn việc lời hay lỗ là chuyện của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Nhà nước và người dân sẽ không can thiệp.
Nếu phương án 1 lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng khó thực hiện vì ảnh hưởng đến ngân sách. Thôi thì cứ cho là vậy. Còn phương án 2, tôi tin rằng sẽ là phương án tối ưu, hài hòa lợi ích giữa người tham gia giao thông, địa phương và nhà đầu tư.
Cái khó nào cũng có cách để giải quyết, quan trọng là chúng ta phải dựa trên quyền lợi chính đáng của số đông!
Bình luận (0)