Với mong muốn xây dựng diễn đàn để tiếp nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế của người dân, ngày 24-9-2019, Báo Người Lao Động đã phát động, tổ chức các cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế". Đến nay, Báo Người Lao Động đã tổ chức 4 cuộc thi và trao giải.
4 lần tổ chức, nhận gần 300 tác phẩm
Qua 4 lần tổ chức, Ban Tổ chức đã nhận được gần 300 tác phẩm dự thi của độc giả, trí thức yêu nước cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước gửi về. Những tác phẩm dự thi là những kế sách, giải pháp hay đóng góp cho TP HCM trong nhiều lĩnh vực: xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông, cải cách hành chính, giáo dục, y tế, kinh tế, khởi nghiệp và các ngành, lĩnh vực liên quan đời sống dân sinh.
Ở cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4, Báo Người Lao Động đã đăng tải 88 tác phẩm, trong đó, chọn 20 tác phẩm vào vòng chung khảo. Năm tác phẩm xuất sắc nhất, gồm 1 tác phẩm giải nhất, 1 tác phẩm giải nhì, 1 tác phẩm giải ba và 2 tác phẩm giải khuyến khích.
Đây không chỉ đơn thuần là bài dự thi mà còn là tâm huyết, ý thức trách nhiệm và tình cảm yêu quý TP HCM của các tác giả. Báo Người Lao Động đã xuất bản sách "Lắng nghe người dân hiến kế" (bài viết dự thi các lần 1, lần 2 và lần 3) và đóng thành bộ chuyển tận tay lãnh đạo TP HCM.
Ở mỗi lần tổ chức cuộc thi, Ban Tổ chức đã tiến hành chấm sơ khảo, chọn 20 tác phẩm chuyển cho Hội đồng Chung khảo chấm trên bài báo để chọn ra các bài xuất sắc nhất với tổng giá trị giải thưởng 120.000.000 đồng (gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng; 1 giải nhì 30 triệu đồng; 1 giải ba 20 triệu đồng; 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng). Những hiến kế đoạt giải phải đáp ứng các tiêu chí: Phù hợp với chủ đề; cách đặt vấn đề và tính logic; giải pháp; khả năng ứng dụng thực tế, góp phần vào việc xây dựng TP HCM nói riêng, cả nước nói chung và phục vụ tốt cho đời sống của người dân.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trân trọng trao bộ sách “Lắng nghe người dân hiến kế” đến lãnh đạo TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Gắn chặt với thực tiễn của thành phố
Cuộc thi lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 5-10-2022 đến 15-8-2023, tập trung vào 2 chủ đề chính: "Chỗ ở và nhà ở cho người có thu nhập thấp"; "TP HCM cần làm gì để phát huy hiệu quả Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị?".
Đây là những chủ đề thời sự, gắn chặt với thực tiễn của TP HCM. Những tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4 được các giám khảo đánh giá chất lượng tốt, có nhiều ý tưởng mới, phù hợp với hướng thành phố đang đặt ra.
Đặc biệt, nhiều ý tưởng nếu nghiên cứu sâu có thể chuyển thành các đề án, tính khả thi rất cao.
Điển hình, hiến kế phát triển nhà ở xã hội, nhiều ý kiến đề xuất cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận vấn đề; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu nhà ở xã hội…; đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thủ tục pháp lý cũng như điều chỉnh quy hoạch, xây dựng nguồn vốn…
Về Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đây thật sự là "chìa khóa vàng" để tạo chuyển biến cho thành phố.
Vấn đề đặt ra là "chìa khóa" đã được trao tay, sử dụng ra sao để mở ra tiến trình phát triển mới cho TP HCM? TP HCM cần chuẩn bị gì để việc thực hiện Nghị quyết 31 đạt được hiệu quả cao nhất? Làm thế nào khắc phục được những tồn tại, yếu kém, hạn chế, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của TP HCM?
Những vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia tham gia hiến kế, đặc biệt gắn với Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, vừa thời sự vừa thiết thực cho thành phố. Ví dụ như giải pháp đưa giáo dục vươn tầm, giữ chân nhân tài, phát triển kinh tế tri thức; giải pháp hiệu quả cho phát triển đô thị bền vững; phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh mới hay biến kỳ vọng thành hiện thực…
Bình luận (0)