Dư luận đang xôn xao về những tin tức liên quan đến tài khoản Facebook đăng tin giả Trần Khoa - "bác sĩ Khoa". Đặc biệt, cư dân mạng bàn tán rằng "bác sĩ Khoa" có mối quan hệ mật thiết với một nhóm ảo khác được gọi là "nhóm 82".
Nhóm này được giới thiệu là gồm những giáo sư, bác sĩ danh tiếng, có chung đặc điểm là bệnh ung thư và thích làm từ thiện. "Nhóm 82" thường đăng những câu chuyện cảm động và cuối cùng kêu gọi ủng hộ từ thiện, tiền được chuyển về chủ tài khoản N.T.M.T. có quê ở tỉnh Bến Tre.
Từ những ồn ào đó, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về hoạt động từ thiện trên mạng xã hội.
Luật chưa rõ ràng
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết Nghị định 64/2008/NĐ-CP nêu rõ tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ chỉ gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài Trung ương, địa phương; ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Đồng thời, Nghị định 64 nhấn mạnh: "Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".
Từ đó, luật sư Trần Minh Hùng phân tích cá nhân không thành lập tổ chức từ thiện đúng quy định sẽ không có quyền tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Tuy nhiên, người dân lại có có thể ủy quyền đóng góp từ thiện theo quy trình trong Bộ luật Dân sự.
Ảnh đại diện của "bác sĩ Khoa" là một Phó Giáo sư người Singapore
Tương tự, luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định Nghị định 64/2008 (quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo) chỉ rõ thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp (thời gian vận động của cấp trung ương, cấp tỉnh là 60 ngày; cấp huyện và các đơn vị tổ chức khác là 30 ngày).
Bên cạnh đó, pháp luật quy định ngoài những tổ chức, đơn vị Nghị định 64 đề cập thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào có quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Quy định thiếu rõ ràng trong các nghị định dẫn đến hai cách hiểu.
Người dân có thể hiểu rằng cá nhân đứng ra kêu gọi tiền cứu trợ thì không phải là đối tượng điều chỉnh của nghị định này.
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân cũng có thể hiểu theo cách hiểu thứ hai: ngoài những cơ quan, đơn vị được quy định tại Nghị định 64 thì cá nhân không được tiếp nhận tiền và phân phối tiền từ thiện. Trường hợp này, cơ quan chức năng lẫn người dân có thể áp dụng pháp luật dân sự.
Cụ thể, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Như vậy, cá nhân đứng ra tổ chức vận động đóng góp, tiếp nhận và trực tiếp phân phối hiện kim, hiện vật từ thiện là việc làm không bị cấm. Đây là việc làm thực hiện sự ủy quyền của người đóng góp.
"Ăn tiền từ thiện, dễ đi tù!
Băn khoăn trước vấn đề xử lý sai phạm, luật sư Trần Minh Hùng cho hay hiện pháp luật chưa có quy định xử phạt đối với những vi phạm do hoạt động từ thiện tự phát gây ra. "Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ căn cứ Bộ luật Dân sự nếu có vi phạm xảy ra. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan pháp luật sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ căn cứ" – luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.
Luật sư tư vấn người dân nên góp tiền vào những quỹ từ thiện hợp pháp (có giấy phép hoạt động) hoặc cơ quan, tổ chức Nhà nước. Nếu muốn thông qua một cá nhân khác, người dân cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng trước khi nhờ người đó làm từ thiện thay mình. Mọi người cần tìm hiểu kỹ, giữ bằng chứng về việc giao tiền, tài sản với mục đích từ thiện nhằm bảo vệ quyền lợi khi phát sinh tranh chấp.
Có kinh nghiệm tổ chức nhiều chương trình từ thiện, luật sư Đào Thị Bích Liên đồng tình với giải pháp quyên góp ở tổ chức do pháp luật công nhận, như MTTQ, tổ chức từ thiện có đăng ký hoạt động... Luật sư Đào Thị Bích Liên chia sẻ khi đọc hoặc nghe thông tin về sự cố hay một vấn đề xã hội, những người có lòng trắc ẩn thường muốn giúp đỡ ngay lập tức. Một số đối tượng lợi dụng điều này tiến hành chiêu trò lừa đảo, trục lợi. Luật sư nhấn mạnh: "Thực tế trên đòi hỏi mỗi người cần tìm hiểu kỹ lưỡng, tốt nhất là nên xem tin tức trên báo, đài chính thống; không nên quá tin tưởng vào thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội".
Luật sư Đào Thị Bích Liên khẳng định trục lợi từ hoạt động từ thiện không những vi phạm pháp luật mà còn làm mất lòng tin, lòng tốt và tâm hướng thiện. Pháp luật cần nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức có hành vi trên.
Theo luật định, người dùng thủ đoạn gian dối nhằm có tài sản của nhà hảo tâm, sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể chịu xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong Bộ Luật Hình sự hiện hành, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có hình phạt tùy vào giá trị tài sản chiếm đoạt cùng thủ đoạn phạm tội. Hình phạt có thể là cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn từ 6 tháng đến 20 năm; thậm chí hình phạt tù cao nhất là chung thân.
Đối với hành vi sử dụng mạng xã hội vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, pháp luật có thể bị áp dụng thêm nhiều tình tiết tăng nặng, như: phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi…
Bình luận (0)