Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định phối hợp với cơ quan an ninh mạng đã vào cuộc truy tìm người tung thông tin bịa đặt "Thảm án chấn động Nam Định, 8 người chết".
Tràn lan tin đồn nhảm
Trước đó, ngày 10-8, một tài khoản Facebook có nickname Nhỏ Dâu Tây đã tung đường link website trong nhóm "Rao vặt Nam Định", kèm theo ảnh lực lượng công an đang làm nhiệm vụ với nội dung một vụ thảm án vừa xảy ra tại Nam Định khiến 8 người chết.
Thông tin này nhanh chóng lan truyền trên mạng với hàng ngàn lượt "like" và chia sẻ. Công an tỉnh Nam Định đã nhanh chóng vào cuộc và khẳng định đó là thông tin bịa đặt, đồng thời truy tìm kẻ tung tin thất thiệt.
Vừa qua, NSƯT Hoài Linh hết sức bất bình vì bị đồn “đột tử”. (Ảnh chụp từ Facebook NSƯT Hoài Linh)
Thời gian gần đây, thỉnh thoảng trên mạng lại xuất hiện những tin đồn về thảm án, bắt cóc mổ lấy nội tạng, máy bay rơi… Ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng cũng trở thành đối tượng của những tin đồn thất thiệt của một số trang Facebook chuyên bán hàng online câu khách, tăng lượt theo dõi. Điển hình ngày 29-7, NSƯT Hoài Linh đang chuẩn bị ra Bình Định diễn thì sáng cùng ngày trên mạng xã hội đồn anh vừa qua đời. Quá bức xúc, Hoài Linh phải lên Facebook cá nhân viết: "Ăn rồi cứ báo tôi chết hoài… Nếu đăng tôi chết câu view để sống thì cứ tự nhiên, tôi không buồn đâu". Nữ ca sĩ Nhật Kim Anh cũng từng giật mình khi hình ảnh cô nằm trên giường với dòng trạng thái được cư dân mạng chia sẻ nhanh chóng: "Sáng nay, rất đông anh em đồng nghiệp đến chia buồn cùng gia đình"…
Có thể bị phạt tù
Theo luật sư Kiều Ngọc Vũ (Đoàn Luật sư TP HCM), Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống (điều 156 BLHS 2015). Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet theo điều 226 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Ngoài ra, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trên mạng, kể cả mạng xã hội, như: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Về trách nhiệm hành chính, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi sau đây bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng: Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh…; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Nhanh chóng dập tắt tin đồn
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội), trước các tin đồn thất thiệt được tung lên mạng, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng an ninh mạng cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm, nếu cần thiết thì xử mức án cao nhất của khung hình phạt để răn đe, phòng ngừa chung. Sau khi xử lý xong, cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.
Bình luận (0)