Cho đến giờ này, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước hiện tượng nhiều nhà thuốc tăng giá "khủng" đối với khẩu trang khi thấy người dân đổ xô đi mua để đối phó với căn bệnh viêm phổi do virus corona mới (nCoV). Không chỉ bán tăng giá gấp nhiều lần, sau khi bị nhắc nhở, xử lý, nhiều nhà thuốc còn cho nhân viết lên những tấm bìa cứng dòng chữ "Không bán khẩu trang. Đừng hỏi!".
Chém!
Đáng nói là có những ý kiến bênh vực người bán, trong đó có cả người xưng là "làm trong lĩnh vực y tế" với lý luận "kinh doanh phải 1 vốn 4 lời", "đấy là quy luật thị trường", "không thích mua thì thôi"...
Nghĩ cho kỹ thì dường như người Việt đã quá quen khi chung sống với hành vi mua bán kiểu "con buôn" ấy vì chuyện "chặt chém" đã trở nên phổ biến. Khách hàng là người lạ: chém! Khách hàng có vẻ có tiền: chém! Khách hàng ngu ngơ: chém! Khách hàng là người nước ngoài: chém!
Nhưng với câu chuyện chiếc khẩu trang, mới chớm dịch, nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp mà đã được bán với giá khủng khiếp kèm theo thái độ bán hàng phi nhân văn, là một điều rất đáng lo ngại. Đó là tình trạng tranh giành, giẫm đạp lên nhau mà sống trong lúc nguy cấp mà lẽ ra cần phải rất lý trí và tương trợ lẫn nhau.
Trong các vụ thiên tai hay dịch bệnh, thiệt hại thứ phát gây ra bởi chính các nạn nhân trong cơn hoảng loạn rất lớn. Những người bị thương sẽ chết nếu như không được giúp đỡ, cứu chữa kịp thời. Những người bị cô lập sẽ chết khi không được cung ứng thuốc men, nhu yếu phẩm. Những hoạt động thường ngày sẽ bị gián đoạn làm tê liệt xã hội vì các cá nhân không hợp tác… Ở Nhật, sau các vụ thiên tai như động đất, sóng thần hay nhân tai như hỏa hoạn, người Nhật đều đặc biệt chú ý ngăn ngừa thiệt hại thứ phát. Hãy tưởng tượng với tư duy "khó khăn của người là cơ hội kiếm tiền của ta", sự thể sẽ ra sao khi cả cộng đồng bị đặt trong một tình thế nguy hiểm?
Người dân Nhật Bản xếp hàng chờ cứu trợ trong thảm họa động đất. (Ảnh từ internet)
Lòng tốt là thứ không vì người khác
Khi học tiếng Nhật, tôi gặp một câu châm ngôn của người Nhật mà ban đầu cảm thấy rất khó hiểu: "Lòng tốt là thứ không vì người khác".
Số phận của con người trong xã hội có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Số phận của người khác cũng là số phận của mình. Những mối quan hệ chằng chịt, dọc ngang giữa các cá nhân có thể gần gũi, có thể xa lạ dệt nên xã hội. Xã hội ổn định, tốt đẹp, những cá nhân khác hạnh phúc thì bản thân chúng ta cũng an toàn, hạnh phúc. Giúp đỡ người khác cũng là giúp mình, làm cho xã hội tốt đẹp lên cũng chính là nỗ lực cho cuộc sống của mình.
Có lẽ tư duy đó rất phổ biến ở Nhật cho nên trong thảm họa, tôi chứng kiến những hành xử rất đúng mực và bình tĩnh của họ. Cho dù bị sóng thần, động đất tấn công làm thiệt hại nặng, phóng xạ nhiễm cả vào nước máy Tokyo và nông sản trong vùng nhiễm xạ bị tiêu hủy, các mặt hàng ở siêu thị nơi tôi sống vẫn không tăng giá. Người Nhật vẫn kiên nhẫn xếp hàng dài hàng cây số mua xăng và mỗi người chỉ mua một số lượng nhất định, để dành cơ hội và chia sẻ cho người khác. Họ làm vậy không phải chỉ vì họ tốt, có đạo đức mà còn vì họ lý trí và tỉnh táo. Nhờ giáo dục, nhờ được rèn luyện và trải nghiệm sự hợp lý trong cuộc sống thường ngày, họ hiểu rằng trong tình thế nguy nan thì việc hành động hợp lý, giúp người khác cũng là giúp mình. Bởi xảy ra tình trạng hỗn loạn thì ai cũng có thể là nạn nhân.
Ông cha ta cũng từng dạy: "Thương người như thể thương thân", "Ăn mày là ai? Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng"... Đó không chỉ là lời giáo huấn mà còn là lời dạy về quy luật sinh tồn. Con người mạnh hơn loài khác là ở khả năng trí tuệ và tổ chức. Trong tình thế khó khăn, con người cần lý trí để sử dụng tốt hai thứ ấy.
Thực thi nghiêm quy định
Do công việc, tôi thường đi tỉnh và chọn xe giường nằm để ngủ cho khỏe. Thế nhưng, không khí trên xe thật khó mà chợp mắt khi tiếng nói chuyện điện thoại liên tục; nhiều người mở nhạc, xem phim; nhiều người ăn uống thoải mái trên xe... Trong khi đó, với xe giường nằm máy lạnh, nhà xe nào cũng có quy định cấm ăn uống, làm ồn trên xe.
Sau này, tôi đi một nhà xe khác thì mọi việc khác hẳn. Khi xe khởi hành, nhà xe nhắc nhở hành khách không được ăn uống trên xe, chuyển điện thoại sang chế độ rung nếu có thể, hạn chế nghe nói điện thoại, sử dụng tai nghe khi nghe nhạc, xem phim... Tôi thật sự hài lòng với một không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng, lịch sự trên xe. Rõ ràng, sự khác biệt ở nhà xe này là mạnh dạn nhắc nhở hành khách vi phạm quy định. Điều đó thể hiện tính nghiêm khắc, công bằng và ứng xử văn minh.
Để việc ứng xử văn minh được tốt, ngoài ý thức cá nhân thì việc thực thi nghiêm các nguyên tắc, điều luật là rất cần thiết. Thực tế tôi thấy nhiều người lên tiếng khá mạnh mẽ trước những bất công, nghịch lý; những ứng xử thiếu văn hóa, văn minh trong cuộc sống. Thái độ đó rất cần để xã hội nề nếp, tươm tất hơn. Tất nhiên, cuộc sống còn nhiều thứ phải nhắc nhở, trong đó điều quan trọng là nhắc nhở chính bản thân mới có thể làm tốt vai trò... nhắc nhở và xây dựng cộng đồng.
Vân Thanh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-2
Bình luận (0)