Đó là bà Võ Thị Thiền (66 tuổi), ngụ ấp 7, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Được người dân chỉ đường, chúng tôi tìm đến nhà bà Thiền. Sau mấy tuần liền mưa dầm, con đường đất dẫn vào nhà bà lầy lội không thể chạy xe máy được, anh Trần Minh Phương (trưởng ấp) mượn xuồng máy “trung chuyển” chúng tôi vào.
“Tôi hứa với người ta rồi”
Trời mưa lất phất, bà Thiền và mấy người hàng xóm đang miệt mài bưng đá xanh rải xuống những vũng lầy. Ông Tư Rỡ (76 tuổi) kể mấy hôm trước, bà Thiền qua nhà ông nói con đường lầy lội, bà không cam tâm nhìn người lớn chạy xe bị té, mấy đứa nhỏ chưa tới trường mà quần áo đã lấm lem bùn đất. Bà thuyết phục ông cùng vận động bà con lối xóm góp tiền mua đá về dặm vá con đường. “Ban đầu, tôi từ chối vì con đường dài hơn 2 cây số có mấy trăm vũng lầy, làm sao lo nổi? Bà ấy năn nỉ hoài nên tôi góp 500.000 đồng rồi phụ đi vận động mọi người. Gom được 3,6 triệu đồng mà cửa hàng vật liệu xây dựng bán một ghe đá 9,6 triệu đồng, bà nhờ tôi đi hỏi vay giùm 6 triệu đồng đắp vô, tháng sau bán vịt trả người ta. Lãi suất 5%/tháng chứ có ít đâu” - ông Tư Rỡ nói.
Tiền ít nên không thể dặm vá hết con đường nhưng cũng làm cho nó dễ đi hơn. Ngừng một lát, ông Tư Rỡ kể tiếp: “Bà Thiền mới trả xong 20 triệu đồng vay làm nhà tình thương cho người ta. Giúp người nghèo mà phải đi vay “nóng” như bà ấy chắc trên đời chỉ có một. Tôi cản hoài mà bà ấy có chịu nghe đâu”.
Bà Thiền ngăn chuồng nuôi riêng 200 con vịt để làm từ thiện, còn bầy nhiều hơn là chén cơm, manh áo của gia đình 7 miệng ăn, trong đó có 3 đứa cháu đang tuổi đi học. Do lúc này lúa trên đồng chưa thu hoạch nên phải nhốt vịt lại cho ăn thức ăn công nghiệp, rất tốn kém. “Hơn 1 tháng nữa bầy vịt này mới bán được. Tính sơ sơ chắc cũng khoảng hơn chục triệu. Tôi sẽ trả hết nợ vay “nóng”, còn lại mua tôn cất nhà cho một người ở trong xã. Tôi hứa với người ta rồi” - bà Thiền nhẩm tính.
Con kênh trước nhà có mấy chục cây bạch đàn loại lớn được bà Thiền bán vịt mua về ngâm 7-8 tháng cho không bị mọt, khi cần thì vớt lên làm nhà để người nghèo không phải chờ đợi. Anh Phương là người thường xuyên phụ bà Thiền làm nhà tình thương, làm cầu, sửa đường. Ngoài ra, còn có nhiều người khác cùng xúm vô góp một tay.
Đã cất khoảng 20 căn nhà
15 tuổi, bà Thiền tham gia đoàn văn công của tỉnh Đồng Tháp. Đất nước thống nhất, bà Thiền lấy chồng. Không có đất, vợ chồng bà làm mướn, cặm cụi ngoài đồng từ sáng tới nửa đêm. Vậy mà hễ thấy ai đói khổ, thiếu gạo, bà lại xúc đem cho; ai không tiền mua thuốc, bà vét túi cho. Chồng bà cũng ủng hộ vợ. “Mỗi lần xay lúa, ổng chở một lèo 30 giạ ra nhà máy, tính để ăn vài tháng nhưng chừng 2-3 tuần, ổng lại chở lúa đi xay. Tui hỏi làm gì đi xay hoài vậy, ổng nói tui đem cho hết rồi, không xay lấy gì ăn. Tui chỉ biết cười trừ” - bà Thiền kể.
Hỏi bà cơ duyên đến với việc cất nhà tình thương cho người nghèo, bà kể năm 2000, một lần đi đám giỗ ở xã Tân Nghĩa về, bà thấy một cặp vợ chồng hì hục tát nước cứu chiếc ghe khỏi bị chìm, còn 3 đứa con nhỏ ôm nhau khóc vì sợ. Hỏi thăm, người chồng cho biết tên Điền, quê ở An Giang. Cả gia đình sống trên ghe với nghề mua bán ve chai. Vợ chồng mơ có một căn nhà để ở nhưng không có đất. Nghe vậy, bà vào nhà người quen năn nỉ mượn miếng đất sát bờ kênh cất nhà cho vợ chồng anh Điền sinh sống đến giờ.
Cũng từ đó, bà bắt đầu công việc cất nhà cho người nghèo. Hễ có người đến năn nỉ cất cho căn nhà tránh mưa nắng, bà lại tìm mọi cách để có tiền làm nhà, không từ chối ai vì nghĩ cực chẳng đã họ mới tìm tới mình. Cũng vì vậy, tiền bạc dành dụm chẳng mấy chốc “đội nón ra đi”. Để có tiền cất nhà tình thương, bà tính chuyện bắt vịt về nuôi. Mỗi năm nuôi 3-4 lứa, mỗi lứa cất 1 căn nhà trị giá 15-17 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều lúc bán vịt không đủ tiền cất nhà, bà phải đi vay thêm, có lúc phải bán ruộng để trả nợ.
Hỏi bà đã cất được bao nhiêu căn nhà tình thương, bà lắc đầu: “Tôi không nhớ, nhiều người tôi còn không biết tên”. Còn theo anh Phương nhẩm tính, bà Thiền đã cất khoảng 20 căn nhà. Ngoài ra, còn những căn nhà cất ở xã, huyện khác thì anh không nắm. “Vừa rồi, tôi phụ cô cất nhà cho anh Trần Văn Chia, Nguyễn Văn Chum Nhỏ, Huỳnh Văn Mực… ở ấp 5 và ấp 7. Họ mừng dữ lắm. Có người vừa bước vô căn nhà mới thì khóc ngon lành” - anh Phương cho biết.
Chồng bà Thiền qua đời 2 năm trước. Chuyện trong, chuyện ngoài bà phải quán xuyến hết. Bà cũng nhận ra sức khỏe ngày càng giảm, thu nhập từ trồng lúa, nuôi vịt bấp bênh nhưng không thể dừng giúp người dưng vì “nhìn thấy người ta khổ, tôi đau lòng lắm…”.
Có bao nhiêu, giúp bấy nhiêu
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, cho biết những việc bà Thiền làm đã góp phần rất lớn vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Bà Thiền giúp người nghèo một cách tự nguyện, không phô trương nên nhiều việc lãnh đạo xã không biết, như chuyện bà hay đi vay “nóng” để cất nhà, làm cầu, vá đường… “Tôi rất kính trọng bà Thiền nhưng không đồng tình chuyện bà đi vay “nóng” như vậy. Tôi sẽ đến gặp bà để trao đổi, công tác xã hội làm biết bao giờ mới hết nên khả năng có bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu. Vậy là quý lắm rồi”.
Bình luận (0)