Do vậy, ở nhiều địa phương, đứng đầu bảng xếp hạng thu hút du khách trên thế giới, người ta vẫn bán buôn lan tràn hè phố. Trong đó, Bangkok khá giống TP HCM về độ đông đúc, luôn đứng trong Top đầu các thành phố du lịch hấp dẫn nhất thế giới về ẩm thực hè phố.
Hơi dài dòng để làm rõ hơn khía cạnh quan trọng khác của việc bán buôn hè phố bên cạnh chuyện mưu sinh của một bộ phận không nhỏ người dân. Nhưng ở Bangkok, Kuala Lumpur, Yangon, Hồng Kông… dù việc buôn bán hè phố vài nơi còn tấp nập hơn TP HCM, họ vẫn giữ được công năng căn bản nhất của một cái lề đường: chừa lối cho người đi bộ. Dân sống khỏe, thuế thu vào. Còn ở mình thì thôi rồi, khỏi nói cũng biết! Nhưng tại sao?
Buôn bán trên vỉa hè Bangkok tuy thấy dày đặc nhưng người bán vẫn dành chỗ cho người đi bộ
Tin chắc chúng ta ai cũng từng liếc thấy các tựa báo kiểu "chục triệu suất vỉa hè bán trà đá", "bảo kê" vỉa hè...Lẽ hiển nhiên, bỏ tiền ra rồi nên giờ có quyền. Vì vậy, không khó hiểu lắm việc tại sao họ rất tự tin đến ngang ngược khi kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Còn chuyện về lòng tham, cái tâm của họ thì dài lắm...
Kế đến là việc quản lý, rất nhiều đội ngũ, cấp bậc, đan qua chéo lại từ khu phố, phường, quận, thành phố. Từ tổ dân phòng, trật tự đô thị, quản lý đô thị, công an…, trong đó có người nhận lương từ ngân sách nhưng vẫn nhắm mắt cho phép chuyện lấn chiếm diễn ra ngay trước mũi, để người dân bị xô xuống lòng đường, đẩy vô tai nạn. Rồi không khó để thấy cảnh xe chất đầy quang gánh, bàn ghế hàng rong bị đưa về phường, quận… Nhưng mấy gánh hàng lấn chiếm là bao so với hàng quán hoành tráng, cửa hàng to đùng ngang nhiên chiếm vỉa hè năm này tháng khác, thỉnh thoảng dọn gọn vài bữa theo chiến dịch rồi lại tưng bừng. Sự bất công đó từ đâu, do đâu? Sự dung túng của người quản lý có thể càng làm người lấn chiếm vỉa hè mạnh tay hơn, nhiều khi bạo ngược (như đề cập ở trên) dù đang sai lè lè.
Cũng không thể không nói đến tác động của các cơ quan tưởng như không liên đới. Đơn cử là chuyện quy hoạch, tổ chức giao thông công cộng. Ai cũng thấy rõ "chủ thể" chiếm lề đường quan trọng là xe máy (giờ là cả xe hơi), từ các bãi giữ xe trên hè đến trước hàng quán… Quan sát ở Bangkok - rất ít xe máy, nhiều xe buýt, tàu điện, tàu thủy, Yangon - cấm xe máy trong nội đô… đều thấy những hè phố bán buôn tấp nập đều chừa đường đi, dù nhiều khi rất hẹp, cho người đi bộ.
Ở TP HCM, đã có vài chuyển biến trong việc gom lại, sắp xếp chỗ bán hàng cho một số hộ, dẹp bãi xe... Nhưng chỉ giải quyết con số rất nhỏ so với việc mưu sinh, chuyện học hành con cái bao người gắn liền với gánh hàng rong. Rồi khi tập trung, các đặc tính cuốn hút của hàng rong, ẩm thực hè phố như di động, tiện lợi có còn? Có còn thu hút du khách? Giải quyết vấn đề nan giải này không dễ nhưng đâu phải không có hướng, như xứ người đã làm. Vậy tại sao chúng ta không làm như họ để biến việc buôn bán hè phố thành điểm thu hút khách du lịch, vừa giải quyết cho người buôn gánh bán bưng vừa tăng thu ngân sách.
Ở trên, tôi chỉ xin chia sẻ góc nhìn thực tế của mình từ việc thấy các nơi khác đã làm.
Bình luận (0)