Ông Trần Long, giảng viên Khoa Văn hóa học Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP HCM:
Cần có văn bản dưới luật để xác lập các chuẩn mực
Đi lại là hoạt động cần thiết đối với con người. Ở giai đoạn đầu, phương tiện đi lại còn thô sơ, hệ thống giao thông giản đơn, hoạt động giao thông chưa xuất hiện những vấn đề phức tạp. Khi xã hội càng phát triển, dân số tăng, nhu cầu đi lại tăng theo, các loại hình giao thông và các loại phương tiện mới ra đời. Mật độ giao thông dày đặc ở các đô thị đã làm tình hình giao thông trở nên phức tạp.
Để giải quyết vấn đề, nhiều giải pháp đã được tính đến, trong đó xây dựng và áp dụng hệ thống luật là giải pháp hàng đầu. Thế nhưng, dù có luật, những rắc rối trong giao thông vẫn xảy ra. Từ đây, một khía cạnh khác được quan tâm, thậm chí được xem là vấn đề gốc, đó là ý thức của người tham gia giao thông. Nói cách khác, đó là văn hóa tham gia giao thông.
Ở góc độ hành vi, văn hóa được hiểu là thói quen tốt. Thói quen tốt không tự nhiên có mà được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện, trong đó ý thức tự điều chỉnh của cá nhân giữ vai trò quan trọng. Tiêu chí đầu tiên và cần để xây dựng thói quen tốt khi tham gia giao thông là phải có ý thức tự giác học luật, tự giác chấp hành luật giao thông mọi lúc mọi nơi.
Luật giao thông áp dụng cho tất cả mọi người tham gia giao thông, chủ phương tiện lẫn hành khách, người điều khiển phương tiện lẫn người đi bộ. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến giao thông nhưng luật không thể hiện được, đó là cách ứng xử thể hiện tính nhân văn.
Giúp đỡ, nhường chỗ cho người già yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, dẫn dắt trẻ nhỏ không được ghi chép thành văn trong văn bản luật giao thông. Người không thực hiện các hành vi trên không bị xử phạt, không chịu hình thức chế tài nào. Từ đây, đặt ra tiêu chí thứ hai đủ xác lập một thói quen tốt của người tham gia giao thông, đó là ý thức vì mọi người, trước hết là tinh thần sẵn sàng giúp đỡ những "cá thể yếu" đang cùng mình tham gia giao thông.
Rõ ràng, người tham gia giao thông công cộng không chỉ hiểu lý mà còn phải biết tình. Khi một ai đó hội đủ 2 phẩm cách trên và thể hiện ra bằng những hành động cụ thể một cách tự nhiên thì họ thật sự đạt được một nhân cách có văn hóa.
Ở đây cũng cần đặt ra vấn đề tiến bộ và văn minh của một xã hội. Một xã hội được xem là tiến bộ khi xã hội đó có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và mọi người chấp hành tốt pháp luật. Để đạt được mức độ văn minh, trước hết cần có những văn bản dưới luật, văn bản vận dụng luật để xác lập các chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, trong đó có chuẩn mực văn hóa tham gia giao thông. Chỉ khi chuẩn mực văn hóa giao thông được xác lập và bộ quy tắc ứng xử tương ứng với nó được mọi người thực hiện một cách tự giác thì bộ mặt xã hội mới có thể sáng lên được. Nỗi lo về các vấn nạn giao thông theo đó mà vơi đi.
Đội CSGT An Sương lập biên bản người chạy quá tốc độ trên Quốc lộ 22, qua huyện Hóc Môn, TP HCM (Ảnh: Ý Linh)
ThS Lê Trường An, giảng viên Trường Đại học Mở TP HCM:
Xây từ cái gốc giáo dục
Phải nói là thói quen "xấu xí" khi tham gia giao thông của người Việt đã trở thành "căn bệnh" lâu năm: Chạy vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, thích thì rẽ - không bật đèn tín hiệu hay quan sát; va chạm nhỏ, lập tức cãi nhau, thậm chí ẩu đả; thích hóng chuyện trên đường; vừa đi vừa hút thuốc rồi ném tàn thuốc; khạc nhổ khi đang chạy xe…
Những thói quen này tồn tại lâu ngày trở thành tính cách của nhiều người và nguy hiểm hơn là trở thành chuyện bình thường trong cuộc sống.
Muốn thay đổi, phải xây từ cái gốc giáo dục. Đầu tiên là giáo dục trong nhà trường. Tiết học về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử phải đưa nội dung văn hóa giao thông vào. Đi đường thấy đám tang có thể dừng lại, ngả nón, cúi đầu; nghe tiếng còi của xe cấp cứu, cứu hỏa… phải chậm lại, đi sát vào lề để nhường đường… là những việc căn bản nhưng rất văn minh. Nhà trường phải làm được việc đào luyện một công dân vừa có kiến thức vừa có kỹ năng ứng phó, xử lý tình huống để trở nên lịch lãm, văn minh.
Thứ hai là giáo dục từ gia đình. Cha mẹ đôi khi không cần nói mà chỉ cần nghiêm chỉnh làm những việc tốt mà bản thân muốn con làm. Đừng nói một đằng làm một nẻo, dặn con ra đường phải thế này thế nọ nhưng mình thì leo vỉa hè, vượt đèn đỏ, lầm bầm chửi ai đó khi thấy "gai mắt"...
Cuối cùng là giáo dục từ sự tuyên truyền. Báo chí, đài phát thanh, truyền hình cần có hẳn chuyên mục về văn hóa giao thông với sự trình bày hấp dẫn. Đó có thể là tiểu phẩm vui, đoạn clip ngắn có thông điệp tích cực, nhẹ nhàng hay những cuộc thi viết... Qua đó, người đọc tìm hiểu và tự điều chỉnh hành vi.
Xây dựng một công trình nào cũng cần cái móng vững chắc. Với "công trình" văn hóa giao thông, cái gốc - nền móng là giáo dục, bên cạnh đó là những tuyên truyền, chế tài…
Phát huy hiệu quả các cuộc thi
Một trong những giải pháp đã và đang được triển khai thu được một số kết quả nhất định là tổ chức các cuộc thi về an toàn giao thông trong trường học.
Nhiều năm đưa học sinh đi tham dự, tôi thấy các em rất hào hứng, nỗ lực giành giải thưởng cao về cho trường. Thế nhưng, không khí thi đua chỉ gói gọn trong hội trường nhỏ, mục đích tuyên truyền bị "đóng băng" tại thời điểm thi chứ chưa thật sự được lan tỏa sâu rộng.
Thời đại công nghệ số, nên chăng tăng cường ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh hiệu ứng tuyên truyền, giáo dục. Tổ chức hội thi thành một sân chơi trực tuyến để các trường đăng tải clip dự thi, học sinh tham gia bình chọn, lan tỏa thông điệp tử tế mà các đội thi dày công xây dựng.
Bên cạnh đó, hội thi cần được kết nối trực tuyến với trường học để tất cả học sinh được xem và cổ vũ. Các phần thi hùng biện, tiểu phẩm cần được tái hiện trực tiếp trong các buổi chào cờ, sinh hoạt tập thể, chuyên đề... Qua đó, nâng cao kiến thức về luật giao thông, vun bồi lối ứng xử thân thiện, văn minh.
Trang Nguyễn
Bình luận (0)