Tham gia lưu thông trên đường, không khó để nhận thấy nhiều người chạy xe máy thường xuyên vi phạm luật giao thông như chạy sai làn đường, ngược chiều, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ… Liệu ý thức tham gia giao thông hay kiến thức hạn chế đang là nguyên nhân của tình trạng này?
Ngang nhiên phạm luật
Rõ ràng từ những vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do xe máy gây ra cũng cho thấy nhiều người dù biết điều khiển xe nhưng không đủ kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn. Đáng nói, không ít trong số đó dễ dàng vượt qua kỳ thi sát hạch với điểm số không hề thấp.
Chẳng hạn, qua ngã tư nhiều làn xe như đường Song hành Xa lộ Hà Nội và đường Lê Văn Việt (ngã tư Thủ Đức, TP Thủ Đức, TP HCM), xe máy sẽ tiếp tục đi thẳng qua ngã tư nhưng lúc chờ đèn đỏ lại xếp hàng chờ ở làn dành cho xe rẽ trái. Do đó, nhiều xe muốn rẽ trái bị mắc kẹt phía sau không thể di chuyển được. Khi xe phía sau bấm còi xin đường, họ lại tỏ ra lúng túng không biết lý do.
Hay mới đây nhất là vụ tài xế xe Hoa Mai gây tai nạn chết người ở ngã ba đèn tín hiệu giao thông nối Quốc lộ 51 với Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Không phủ nhận lỗi từ tài xế xe khách nhưng rõ ràng người đi xe máy ngược chiều, vượt đèn đỏ qua đường trước mũi xe Hoa Mai đã gián tiếp gây ra tai nạn thương tâm.
Căn cứ quy định hiện nay ở nước ta, người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được thi bằng lái xe hạng A1 (hạng bằng lái thấp nhất hiện nay). Thế nhưng, đi ngang cổng trường cấp 3, hình ảnh các học sinh chạy xe máy trên 50 phân khối cũng không hề hiếm. Các em thường để xe máy ở những điểm giữ xe bên ngoài nhưng không xa trường. Sau khi tan trường, các em còn mặc đồng phục, chạy xe máy, tụ tập nhau ở cổng trường nhưng không bị nhà trường nhắc nhở, nghiêm cấm. Thực tế, xảy ra không ít vụ các học sinh vô tư phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, dàn hàng ngang… gây mất an toàn cho bản thân và những người cùng lưu thông trên đường.
Trên đây là vài ví dụ minh chứng rõ ràng của việc thiếu kiến thức lái xe an toàn.
Người điều khiển xe máy chờ đèn xanh rẽ trái nhưng dừng xe chiếm hết 2 làn đường tại ngã tư Thủ Đức
Học thật, bằng thật
Thi bằng lái xe máy hạng A1, có thể thấy dù trường có đào tạo lý thuyết và thực hành nhưng hầu như học viên chỉ đóng tiền chứ ít tham dự lớp học lý thuyết vì cho rằng xe máy ai cũng lái được, đi học chỉ… mất thời gian.
Nhiều trung tâm cạnh tranh nhau bằng cách giảm chi phí học và thi bằng lái xe, đồng nghĩa việc đào tạo học viên cũng ít thời gian hơn. Chưa kể, nạn "cò chạy bằng, thi hộ" vẫn nhan nhản trong khi việc kiểm tra, xử lý vẫn chưa triệt để.
Việc học lý thuyết cũng như thực hành lái xe máy có thể tùy điều kiện của từng người vì rõ ràng, để thi bằng lái xe máy không quá khó. Người học có thể học trực tuyến hoặc trực tiếp trước khi tham gia sát hạch. Tuy nhiên, việc kiểm tra để đánh giá trình độ, khả năng lái xe phải thực tế và chất lượng.
Một trong những giải pháp siết chặt sát hạch là nâng cao độ khó bằng lái xe để học viên phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý thuyết lẫn thực hành. Người "thi rớt" bằng lái phải đóng số tiền lớn để thi lại. Có như thế mới bảo đảm được "học thật, bằng thật" vì mục tiêu an toàn giao thông là trên hết.
Việc đưa vào trừ điểm bằng lái xe cũng là lộ trình nên sớm được thực hiện. Đây là chương trình đã được "phát kiến" từ nhiều năm trước. Theo đó, những người có bằng lái xe sẽ được đưa vào chương trình giám sát cụ thể. Trong khoảng thời gian này, người nào vi phạm nhiều lỗi về an toàn giao thông sẽ bị trừ điểm, đến mức nhất định thì bị tước giấy phép lái xe hoặc hủy vĩnh viễn để người đó phải học và thi lại bằng lái.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời xử lý những trường hợp không có bằng lái xe hoặc sử dụng bằng lái giả để "sàng lọc" triệt để những người không đủ điều kiện tham gia lưu thông trên đường. Kiến thức và kỹ năng lái xe máy an toàn là những điều kiện quan trọng giúp lập lại trật tự an toàn giao thông khi Việt Nam nói riêng và TP HCM là nơi "bùng nổ" xe máy
Người lớn hãy làm gương!
Muốn biết ít nhiều những sự lộn xộn, bất cập của giao thông tại các thành phố lớn ở nước ta, hãy đến các khu vực gần trường học vào đầu giờ và giờ ra về. Dễ thấy nhất là tình trạng ùn tắc giao thông dọc trước cổng trường lúc tan tầm: chen chúc nhích từng chút một kèm tiếng còi inh ỏi đầy vội vã; lấn tuyến, chạy ngược chiều, dừng xe dưới lòng đường…
Một vấn đề đáng trăn trở nữa là lời nói và hành động của người lớn khi chở trẻ nhỏ tham gia giao thông. Có những va quệt nhỏ đã không được giải quyết thấu đáo, ôn hòa mà trở thành tranh cãi, lời qua tiếng lại, thậm chí ẩu đả.
Làm sao có thể dạy con trẻ biết nhường nhịn, giữ gìn trật tự, cư xử văn minh khi phụ huynh lại chen lấn, luôn muốn giành phần hơn? Tất cả những gì các bạn nhỏ quan sát, cảm nhận được từ cha mẹ, thầy cô đều ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ và tính cách của trẻ.
Việc giáo dục văn hóa giao thông cho trẻ sẽ không bao giờ có hiệu quả khi các em vừa được tuyên truyền, định hướng những hành vi ứng xử tốt đẹp, bước ra đường đã chứng kiến đủ kiểu vi phạm luật lệ giao thông, những hình ảnh, phát ngôn xấu xí của người lớn.
Mỗi thầy cô giáo, mỗi bậc phụ huynh đều có thể trở thành những tấm gương chuẩn mực, lý tưởng bằng việc tự giác chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, lan tỏa những việc làm tốt để trẻ em, học sinh ghi nhớ và noi theo.
Dũng Lê
Bình luận (0)