"Sắp tới, UBND TP HCM sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương được sử dụng hình ảnh từ camera để xử phạt người xả rác ra môi trường. Biện pháp này nhằm tăng tính răn đe, đồng thời thay đổi ý thức người dân. Khi ý thức đã nâng cao, xử phạt chỉ là giải pháp hỗ trợ" - ông Thái Hoàng Vũ, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, nói.
Kiên quyết phạt nguội qua camera
Theo ông Thái Hoàng Vũ, yêu cầu xử lý nghiêm người vi phạm xả rác ra môi trường được thực hiện từ năm 2012 nhưng hiệu quả chưa cao. Dù nói nhiều về việc trích xuất hình ảnh từ camera để xử phạt người vi phạm xả rác ra môi trường nhưng thời gian qua chỉ một vài địa phương quyết tâm thực hiện, còn lại chờ gỡ vướng các quy định về pháp lý, quy trình. Do đó, ngay khi các nhóm giải pháp được UBND TP HCM thông qua, các địa phương phải quyết tâm thực hiện đồng bộ, trong quá trình làm nếu phát sinh vấn đề thì cùng nhau gỡ vướng, không bàn ra.
Hình ảnh người vi phạm xả rác ra đường bị camera ghi lại . Ảnh: C.T.V
Hiện giải pháp phạt nguội qua camera đã được Sở TN-MT phối hợp Sở Tư pháp, Công an TP trình UBND TP HCM về phương thức thực hiện và đang chờ thông qua. Hình ảnh trích xuất từ camera được sử dụng hỗ trợ giúp cán bộ địa phương đấu tranh với người vi phạm để xử phạt hoặc nhắc nhở. Tùy thực tế mỗi địa phương mà bố trí camera sao cho hiệu quả, hợp lý.
Ngoài ra, theo ông Thái Hoàng Vũ, sắp tới TP HCM sẽ có thêm 2 lực lượng được quyền lập biên bản vi phạm hành chính vệ sinh nơi công cộng là Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn. Hai lực lượng này hiện có sẵn, còn chờ Sở Tài chính tham mưu việc sử dụng kinh phí xử phạt để bố trí. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, kêu gọi người dân cùng chung tay bảo vệ, công khai thông tin người vi phạm được Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở TN-MT xây dựng quy ước bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.
Phải thực hiện đồng bộ
Nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến người dân còn xả rác, Sở TN- MT TP HCM cho rằng do lực lượng xử lý tại chỗ còn mỏng. Điển hình tại các phường, xã - đơn vị trực tiếp phát hiện xử lý người vi phạm, chỉ có một vài cán bộ công chức được quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong khi phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Ngoài ra, nhiều tuyến đường, tuyến hẻm được gắn camera an ninh, dữ liệu nhiều nhưng chưa khai thác để xử phạt vi phạm môi trường.
"Do đó khi bổ sung lực lượng cũng như camera hỗ trợ, chắc chắn hiệu quả xử lý sẽ cao hơn. Quan trọng là các địa phương phải thực hiện nghiêm và đồng bộ. Tránh trường hợp địa phương này làm nghiêm, người vi phạm chạy qua địa bàn khác xả rác" - Phó Chánh thanh tra Sở TN-MT Thái Hoàng Vũ lưu ý.
Là một trong những địa phương xử lý hiệu quả người vi phạm nhờ dùng hình ảnh, video từ điện thoại làm chứng cứ lập biên bản vi phạm hành chính, ông Ngô Toại Chương, Phó trưởng Phòng TN-MT quận Gò Vấp, chia sẻ do hành vi xả rác diễn ra nhanh, nhiều trường hợp người vi phạm chối, do đó khi thấy hành vi vi phạm từ xa, lực lượng tuần tra yêu cầu người vi phạm quay trở lại hiện trường và yêu cầu nhặt rác vừa xả; đồng thời chụp hình, quay video. Hình ảnh này sẽ là căn cứ để cán bộ lập biên bản vi phạm. Từ năm 2019 đến nay, quận Gò Vấp đã lập biên bản 400 trường hợp vi phạm xả rác thải với số tiền phạt trên 200 triệu đồng.
"Để thực hiện được, UBND quận đã kêu gọi lực lượng bảo vệ dân phố tại các phường hỗ trợ tuần tra liên tục, thậm chí nhiều nơi phải tuần tra ban đêm để có hình ảnh xử lý vi phạm" - ông Ngô Toại Chương cho biết.
Trông chờ các giải pháp vừa được trình UBND TP, đại diện lãnh đạo UBND quận 12 cho rằng khi có hướng dẫn về phương thức thực hiện cũng như pháp lý chặt chẽ, các địa phương sẽ thực hiện quyết liệt, không chỉ bảo đảm môi trường sống trong lành cho người dân mà còn xây dựng hình ảnh văn minh đô thị.
Tăng tần suất quét dọn rác trên đường
Đề xuất các giải pháp hạn chế việc xả rác ra môi trường, bên cạnh việc tuyên truyền, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, cho rằng TP cần bổ sung quy trình, định mức, đơn giá để các đơn vị thu gom, quét rác tăng tần suất quét, thu gom trên các tuyến đường, kênh rạch ít nhất 2 lần/ngày. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý, đổi mới đầu tư đồng bộ phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động thu gom.
Bình luận (0)