Hơn một tháng qua, người dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế vui mừng khi Dự án kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn Tân An – Trung An – Xuân An ở xã này được triển khai thi công rầm rộ. Như vậy, nỗi lo bờ biển bị sạt lở, xâm thực sâu dẫn đến nguy cơ mất đất, mất làng sẽ phần nào vơi đi.
Tuy nhiên, những ngày gần đây chứng kiến những đoàn xe lớn ra vào làng, trên thùng chở đầy đá thì họ cũng tỏ ra bất an bởi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Theo ghi nhận, hàng ngày có rất nhiều ô tô tải tự đổ (xe ben) chở đá hộc (loại đá có kích thước lớn), đá dăm, bê tông tươi… tới công trường để thi công. Điều đáng nói là các đơn vị thi công đa số sử dụng loại xe Howo đời cũ, nhập khẩu từ Trung Quốc với kích thước thành thùng hàng lớn nhưng tải trọng cho phép chở khá ít nên có dấu hiệu chở quá tải. Việc sử dụng loại xe này sẽ có lợi về khối lượng vận chuyển nhưng lại quá tải so với thiết kế của xe, từ đây dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông, hư hỏng đường sá, cầu cống.
Theo đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Thừa Thiên - Huế dự án này do Công ty CP xây dựng Thủy Lợi Thừa Thiên - Huế và Công ty CP Xây dựng Đại An thi công với tổng chiều dài 850 m.
qua tai
Để thi công chân kè, riêng dự án này cần đến 30.000 khối đá hộc, đá dăm. Trong đó chủ yếu đá hộc với trọng lượng 100-200 kg/cục nên phải cần xe to mới chở được. Theo người này thì dự án mới triển khai nhưng tiến độ rất khẩn trương vì phải đến 30-9 đê kè phải vượt cao trình +2 m mới an toàn trước sóng biển mùa mưa bão. Vì vậy các đơn vị thi công phải huy động tổng lực phương tiện chở đá. Đến nay đã chở được khoảng 60% khối lượng đá.
"Trung bình mỗi ngày phải chở ít nhất 1.000 khối đá nên lượng phương tiện nhiều kéo về làng tấp nập, dày đặc. Trong khi đường trong làng lại nhỏ, sát nhà dân nên ít nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của họ" - đại diện chủ đầu tư cho biết.
Người này cũng cho biết trước khi dự án triển khai, chủ đầu tư đã về khảo sát, làm việc với chính quyền địa phương, người dân với cam kết sẽ làm lại đường nếu để xảy ra hư hại.
Đồng thời có nhiều văn bản nhắc nhở cho nhà thầu đảm bảo an toàn lao động, môi trường, giao thông, tải trọng xe để điều chỉnh phù hợp. "Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu nhà thầu sử dụng xe phù hợp, không vượt tải trọng cho phép" - đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Tại điểm tiếp giáp phía Bắc của dự án này cũng đang triển khai thi công 60 m bờ kè thuộc dự án cũ do Công ty TNHH một thành viên Rồng Việt thi công, trong đó phải chở khoảng 6.000 khối đá để làm bờ kè. Dự án này cũng thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công cũng huy động phương tiện xe Howo đời cũ rầm rộ chở đá hộc từ các mỏ đá, qua đường làng xã Phú Thuận để tới dự án bờ kè.
Được biết, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn nỗ lực xử lý triệt để tình trạng xe cơi nới, chở quá khổ, quá tải. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu công an tỉnh tăng cường chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các huyện, thị xã, TP Huế chủ động triển khai đợt cao điểm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Trong đó, yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về "cơi nới" thùng xe và chở hàng quá tải, quá khổ. Các chủ mỏ vật liệu xây dựng, san lấp phải có trách nhiệm giám sát, không để xảy ra tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng. Vậy, vì sao các xe chở đá về thi công các dự án bờ kè ở xã Phú Thuận lại đa số có dấu hiệu chở quá tải vẫn "tung tăng" di chuyển từ mỏ đá về dự án với quảng đường dài mà vẫn tồn tại?
Xe chở đá có dấu hiệu chở quá tại tại điểm thi công 60 m bờ kè do Công ty TNHH một thành viên Rồng Việt đảm nhận:
Bình luận (0)