Tại dự thảo Nghị định về quản lý hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu các đơn hàng dưới 2 triệu đồng mua trên sàn online, với hạn mức tối đa 96 triệu đồng/năm cho mỗi cá nhân, tổ chức. Nếu giá trị đơn hàng vượt 2 triệu đồng hoặc quá định mức miễn thuế, toàn bộ đơn sẽ chịu thuế nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng đề xuất hai phương án miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng nhập khẩu qua sàn online. Một là chỉ hàng thuộc danh mục được miễn theo quyết định cơ quan quản lý mới không cần kiểm tra. Hai là miễn kiểm tra tối đa 4 lần/năm cho đơn hàng dưới 2 triệu đồng, với tổng giá trị không quá 96 triệu đồng. Việc này nhằm tránh tình trạng chia nhỏ đơn hàng để lách kiểm tra. Bộ Tài chính cũng đề xuất cấm gom hàng để lợi dụng chính sách miễn giấy phép, kiểm tra.
Tuy nhiên, nhiều nhà bán hàng online trong nước bày tỏ lo ngại. Ông Bùi Hữu Nghĩa, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Vicolas, cho rằng quy định này sẽ tạo lợi thế cho hàng nhập giá rẻ, gây áp lực cho doanh nghiệp trong nước. Ông nhấn mạnh Quyết định 01/2025/QĐ-TTg đã bãi bỏ miễn thuế nhập khẩu, thuế GTGT với đơn hàng dưới 1 triệu đồng từ ngày 18-2, nay Bộ Tài chính lại nâng mức miễn thuế lên 2 triệu đồng, khiến nhà nước không thu được thuế, trong khi hàng ngoại vẫn tiếp cận dễ dàng khách hàng Việt.

Người bán hàng trong nước lo ngại về đề xuất miễn thuế với hàng nhập khẩu giá dưới 2 triệu đồng.
Một nhà bán bánh kẹo online tại TP HCM cũng nhận định hạn mức 96 triệu đồng/năm chủ yếu ảnh hưởng đến doanh nghiệp thường xuyên nhập hàng, còn người tiêu dùng lẻ không bị tác động nhiều. Ông cho rằng cần áp thuế nhập khẩu để tạo cạnh tranh công bằng, thay vì tăng ngưỡng miễn thuế, bởi phần lớn hàng nước ngoài giá rẻ nhập về là từ Trung Quốc.
Ngoài ra, nếu quy định này được áp dụng, người mua có thể tìm cách chia nhỏ đơn hàng hoặc nhờ người khác mua hộ để lách hạn mức. Do đó, việc giữ nguyên quy định không miễn thuế cho đơn hàng dưới 1 triệu đồng là hợp lý, giúp thúc đẩy sản xuất và bán lẻ trong nước.
Theo ông Đào Ngọc Vương, chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, áp thuế nhập khẩu và thuế GTGT với hàng nhập sẽ tạo lợi thế cho thị trường nội địa. Ông đưa ra ví dụ: nếu một đơn hàng vải từ Trung Quốc trị giá 1,99 triệu đồng bị đánh thuế 12% nhập khẩu và 10% GTGT, tổng tiền thuế thu được là hơn 430.000 đồng, nâng giá lô hàng lên 2,4 triệu đồng. Khi đó, người tiêu dùng có thể cân nhắc mua hàng nội địa. Ngược lại, nếu bỏ thuế nhập khẩu, giá lô hàng chỉ khoảng 2,2 triệu đồng, tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh cho hàng nước ngoài.
Theo báo cáo thị trường bán lẻ trực tuyến 2024 của Metric, hàng nhập khẩu Việt Nam năm 2024 đạt 324,1 triệu sản phẩm, tạo doanh thu 14.200 tỉ đồng, tăng 37,9% về số lượng và 42,9% về giá trị so với năm trước. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng hàng ngoại, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử.
Bình luận (0)