Hằng năm, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải công bố đề án tuyển sinh, trong đó có phần báo cáo tỉ lệ sinh viên (SV) có việc làm. Qua những đề án đó cho thấy tỉ lệ SV có việc làm của nhiều trường đạt ở mức rất cao, thường từ 90%-99%, thậm chí nhiều trường đạt 100%.
Hoài nghi
Ra trường năm 2021, Lưu Thị Trúc (25 tuổi, quê Bến Tre) đã "nhảy việc" 4 lần. Gần đây nhất, chị quyết định nghỉ việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Học ngành công nghệ thực phẩm nhưng tìm không được việc đúng chuyên môn nên Trúc phải làm nhân viên kho, điều xe, bán hàng online... với thu nhập bấp bênh, không bảo hiểm.
Trúc cho biết mới đây nhận được cuộc gọi từ nhà trường muốn khảo sát về tình hình việc làm của cựu SV. "Tôi trả lời đang tự buôn bán nhỏ, trong lớp cũng hơn một nửa đang làm như tôi. Vậy mà đọc được trên website của trường, khoa tôi có việc làm đến 99% sau khi ra trường" - Trúc nói mình bất ngờ.
Đỗ Tấn Phương An (24 tuổi, quê Đồng Nai), cựu SV một trường ĐH dân lập khá nổi tiếng tại TP HCM, cũng tỏ ra bất ngờ với tỉ lệ SV có việc làm của trường. An cho biết lớp kinh doanh quốc tế niên khóa 2019-2022 của anh có 48 SV, khi ra trường có 20 người chọn ra nước ngoài học lên cao, một số học thêm trong nước và chỉ 12 người có việc làm đúng nghĩa.
"Tôi đang học ở Úc, có đi làm thêm nên khi trường khảo sát, tôi ghi là có đi làm bán thời gian, còn công việc chính là đi học. Thế nhưng, khoa của tôi được nhà trường thống kê có việc làm 100%. Ai cũng bất ngờ" - An nói.
Theo tìm hiểu, các trường ĐH khảo sát tình hình việc làm của SV sau khi ra trường mỗi năm 2 đợt, thông thường trước khi SV tốt nghiệp 1 - 3 tháng và sau đó 1 - 2 năm. Nhà trường thường thống kê bằng hình thức online qua các phiếu khảo sát được gửi đến từng khoa, lớp. Các thông tin được khảo sát gồm chỗ làm, mức lương, thời gian tìm việc sau khi ra trường.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi về con số thống kê của các trường ĐH trong khi tỉ lệ người lao động thất nghiệp vẫn còn cao. Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, quý I/2024, đơn vị này tiếp nhận 28.535 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 8.483 người (chiếm 35%) có trình độ ĐH và trên ĐH mất việc.
TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng giai đoạn này lao động có trình độ từ ĐH trở lên gặp khó khăn khi tìm việc hơn các nhóm khác. Thị trường lao động cũng chỉ có nhu cầu tuyển hơn 22% nhân sự có trình độ ĐH, thấp hơn nhiều so với nhu cầu tìm việc của nhóm này.
Cần đơn vị độc lập
Đại diện một số trường ĐH tại TP HCM thừa nhận việc đưa ra số liệu SV có việc làm sát với thực tế là rất khó khăn. Dù chuẩn bị bảng khảo sát thông qua khoa, lớp để kết nối với cựu SV nhưng số lượng phản hồi rất khó đạt được 100%. Chưa kể, không thể kiểm chứng được phản hồi có chính xác hay không.
Lãnh đạo Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam cho rằng tỉ lệ SV ra trường có việc làm là con số thể hiện năng lực, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH, CĐ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, nếu những số liệu đó được thống kê, khảo sát bài bản, khoa học và có đủ cơ sở tin cậy thì đáng hoan nghênh. Nhưng nếu chỉ vì "đẹp số liệu tuyển sinh" mà các trường làm cho có thì cần xem lại.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo, để lấy được kết quả thực chất nhất về việc làm của SV sau khi ra trường cần thực hiện khoa học và công phu hơn, làm sao để SV thấy được trách nhiệm của mình dù đã ra trường. Do đó, khảo sát việc làm SV nên do một đơn vị độc lập thực hiện thì mới khách quan, chính xác hơn.
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cho biết nhu cầu vị trí việc làm trên thị trường tương ứng trình độ ĐH - CĐ - sơ cấp là 1 - 3 - 5. Trong 5 năm trở lại đây, khối GDNN đều có sự tăng trưởng 10%-15%/năm. Đây là bước tăng trưởng đáng kể, thể hiện sự thay đổi trong lựa chọn của thí sinh và phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp và việc làm.
Hiện trên 80% người học GDNN ra trường có việc làm và quan trọng nhất là có việc làm đúng nghề, một số ngành nghề tỉ lệ này lên đến 100%. "Nhu cầu nhân lực CĐ trở xuống trong tháp nguồn nhân lực là rất lớn, đây là cơ cấu chung của lực lượng lao động trên toàn thế giới. Khi chúng ta đang hướng tới phát triển nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045 thì nhu cầu về công nhân kỹ thuật ngày càng tăng. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cần xem rõ bản chất việc làm của ngành và cấp đào tạo" - ông Bình nói.
Bình luận (0)