Từ giữa tháng 3-2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) triển khai lấy ý kiến Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong lần sửa đổi này, đề xuất giới hạn giờ làm thêm và các trường phải kiểm soát học sinh, sinh viên làm thêm là một trong những nội dung mới lần đầu tiên được đề cập, tuy nhiên đã gây nhiều tranh cãi.
Theo đó, tại khoản 1, điều 30 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất học sinh, sinh viên đủ 15 tuổi trở lên được làm thêm, nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động; căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
Đồng thời, khoản 4 điều này cũng quy định, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm quyền làm việc, đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
Góp ý tại Hội thảo "Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)" do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, trực thuộc Sở LĐ-TB-XH thành phố tổ chức, ông Trần Nguyên Thục, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật quận 12 cho rằng đề xuất này khó khả thi. Ông Thục cho biết rất khuyến khích các em học sinh, sinh viên đi làm thêm chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, từ đó có sự thấu hiểu và hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, hầu hết đều không thông tin đến nhà trường. "Mục tiêu của luật là rất tốt, bởi nếu được kiểm soát chặt chẽ, khi học sinh, sinh viên gia nhập vào thị trường lao động sẽ được quan tâm, bảo vệ từ nhiều phía, nhưng để triển khai thì rất khó" – ông Thục nói
Ngoài ra, ông Thục cũng đề nghị cần xem xét lại việc siết thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên. Theo đó, hiện nay các trường đa phần đào tạo tín chỉ, thời gian học tập linh hoạt, mỗi năm có 3 kỳ học và không có kỳ nghỉ. Học sinh, sinh viên có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học phù hợp với nhu cầu và năng lực của cá nhân.
Tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật quận 12, ông Thục cho biết rất nhiều trường hợp học sinh, sinh viên, ban ngày đi học, chiều tối phải tất tả làm thêm. Chủ yếu làm những công việc giản đơn như phục vụ quán ăn, phụ quán nước… "Nhiều trường hợp làm thêm để trải nghiệm nhưng cũng không ít trường hợp không còn là lựa chọn mà đó là mưu sinh, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên ngoại tỉnh. Mặc dù học tập vẫn là nhiệm vụ chính mà các bạn phải quan tâm, tuy nhiên đây là nguồn thu nhập quan trọng để các bạn có chi phí trang trải cho sinh hoạt và học tập, vì vậy cũng cần xem xét lại điều khoản này" – ông Thục nói.
Trước đó, tại hội nghị góp ý dự thảo Luật này do LĐLĐ TP HCM tổ chức, ông Lưu Đức Quang, giảng viên trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố cho rằng Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nếu xây dựng dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài thì chưa thấu đáo. Các nước kiểm soát thời gian làm thêm của du học sinh chứ không hạn chế sinh viên nước mình. "Mạng lưới an sinh xã hội ở Việt Nam chưa hoàn thiện, cơ chế cho sinh viên vay học tập còn hạn chế. Nếu siết giờ làm thêm, nhiều sinh viên sẽ không đủ khả năng theo đuổi việc học" – ông Quang nói.
Ngoài ra, liên quan đến công tác quản lý, theo ông Quang cho rằng, trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường không có động lực để triển khai, cũng không đủ nguồn lực để thực hiệu quả.
Bình luận (0)