Tình trạng trên cũng diễn ra tại nhiều bệnh viện công khác và cả ở những bệnh viện đầu ngành, cáng đáng nhiệm vụ chữa bệnh tuyến cuối ở nhiều khu vực như TP HCM, Đà Nẵng, Tây Nguyên… Điều đáng lo ngại là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã diễn ra hơn 2 năm qua và trong thời gian này các cơ quan từ trung ương đến địa phương chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Người bệnh thiếu thuốc hiển nhiên là bi kịch. Hậu quả của vấn đề này không khó để nhìn thấy: đau đớn kéo dài, bệnh tình ngày càng nặng và không loại trừ việc có thể tử vong. Nhận diện được vấn đề này, từ năm 2021, các bệnh viện kiến nghị Chính phủ sửa đổi, ban hành rất nhiều luật và các nghị định kèm theo để công tác đấu thầu thuốc mang lại hiệu quả và kịp thời cung ứng cho bệnh nhân.
Trong những kỳ họp Quốc hội tiếp theo, đại diện cử tri liên tục "kêu cứu" Quốc hội gấp rút có giải pháp, bởi tình hình thực tế rất cấp bách. Ngay kỳ họp Quốc hội gần đây nhất vào tháng 6-2024, vấn đề thiếu thuốc lại được phản ánh khi lấy ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, lúc ấy là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, dẫn chứng: Bệnh cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất rất nguy hiểm, không can thiệp kịp thời thì sẽ tử vong trong vòng 15-30 phút. Nhưng chỉ cần tiêm thuốc Adenosine thì sẽ cắt cơn ngay. Thuốc này chỉ 2.000 - 3.000 đồng nhưng oái oăm nhiều bệnh viện lớn không có. Nhiều nơi khác, vì thiếu thuốc mà phải chờ đến vài tháng mới được phẫu thuật là… bình thường.
Việc thiếu thuốc, vật tư y tế đang quá nguy hiểm đối với người dân nên chậm trễ giải quyết ở bất cứ cấp quản lý nào cũng đều khó có thể chấp nhận được. Trong khi đó, hầu hết nguyên nhân của việc thiếu thuốc, thiếu vật tư là do chủ quan nên càng gây bức xúc.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27-2-2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu… thì không có lý do gì để biện bạch cho việc chậm đưa thuốc về phục vụ bệnh nhân. Ngày nay, cơ chế tự chủ bệnh viện đã được thực hiện, dù dịch vụ nào, thuốc men gì, thiết bị mua bán ra sao thì cuối cùng người bệnh cũng là người trả tiền, dù biết đây là chi phí bắt buộc và nặng nề nhất.
Căn nguyên của vấn đề đã được nói nhiều rồi: Cán bộ liên đới thì sợ trách nhiệm, chậm chạp thực hiện chỉ đạo của trung ương và có cả nguyên nhân quyền lợi của một số người bị mất khi thực hiện quy định mới… Ai cũng có thể chờ đợi, nhưng bệnh nhân thì không. Họ phải trải qua nỗi đau thể xác và tinh thần từng ngày, thậm chí là đối diện với tử vong nên thời gian với họ là quý báu nhất. Ngành y phải đứng ở tâm thế này để giải quyết vấn đề.
Bình luận (0)