Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA), chia sẻ về hành trình đưa ẩm thực Việt trở thành thương hiệu quốc gia và sau đó vươn ra thế giới.
Phóng viên: Kết quả đón 12,5 triệu khách quốc tế trong năm 2023 của Việt Nam có sự góp công không nhỏ của ẩm thực. Theo ông, đâu là điều quan trọng nhất để ẩm thực tìm được một chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam?
- Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Cuối năm 2023, qua bình chọn của các tổ chức và trang thông tin ẩm thực uy tín, Hà Nội đã vinh dự giành giải "Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023". Taste Atlas cũng công bố Việt Nam đứng thứ 22/100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới năm 2023. TP Huế được xếp hạng 28/100 thành phố có món ăn ngon nhất thế giới… Việc đón 12,5 triệu khách quốc tế trong năm 2023 chứng tỏ ẩm thực đã góp công không nhỏ.
Để có sự gắn kết giữa ẩm thực và du lịch, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan rằng Việt Nam mới chỉ bắt đầu khai thác tiềm năng này. Với hơn 3.000 món ăn phong phú từ Bắc đến Nam, hải sản và ẩm thực miền núi, bản đồ văn hóa ẩm thực đã hình thành và tiềm ẩn trong dân gian. Chính phủ đã ban hành chủ trương về định hướng phát triển ẩm thực và du lịch. Giờ là lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt, bài bản và khoa học để tạo nền tảng và định hướng chung cho cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội chuyên ngành. Cần phát triển mô hình du lịch trải nghiệm ẩm thực độc đáo, kết hợp chặt chẽ với các điểm đến du lịch và văn hóa địa phương.
Chúng tôi tin rằng sự gắn kết này sẽ không chỉ giới hạn ở việc giới thiệu món ăn mà còn tạo ra những trải nghiệm độc đáo, mang tính chân thực và lịch sử. Cần chú trọng vào nền tảng văn hóa trong ẩm thực để khi du khách đến Việt Nam không chỉ cảm nhận hương vị món ăn mà còn hòa mình vào câu chuyện lịch sử và giá trị thực dưỡng. Điều này tạo nên xu hướng du lịch ẩm thực Việt Nam với khẩu hiệu "được ăn, được nói, được gói mang về".
Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, là nơi giao thoa của nhiều nền ẩm thực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vị thế của ẩm thực Việt vẫn chưa tương xứng với thực lực, ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ rằng với vị trí đặc thù bên rừng, bên biển, trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam được thế giới xem như cửa ngõ từ Đông sang Tây. Tôi cũng đồng ý rằng nhờ vào lợi thế đa dạng và phong phú, ẩm thực Việt Nam đã phản ánh rõ nét sự giao thoa văn hóa sâu sắc với thế giới, qua du lịch. Điển hình, hàng trăm ngàn nhà hàng ẩm thực Việt Nam có mặt khắp thế giới và ngược lại, tại Việt Nam, hầu hết các tỉnh, thành đều có nhà hàng phục vụ món ăn truyền thống của nhiều nước.
Nhưng đúng là nhận thức về vị thế của ẩm thực Việt trên trường quốc tế chưa tương xứng với thực lực của nó dù Việt Nam sở hữu lực lượng nghệ nhân và chuyên gia ẩm thực bếp chuyên nghiệp, có kỹ năng cao và khả năng biến tấu món ăn truyền thống thành món ăn đương đại, thu hút hàng triệu thực khách thế giới hằng năm.
Có nhiều lý do khiến ẩm thực Việt chưa phát triển như kỳ vọng. Theo tôi, yế u tố quan trọng là thiếu sót trong việc quảng bá và marketing, bao gồm cả việc thiếu đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và quảng bá ẩm thực đặc trưng của từng vùng miền trên các phương tiện truyền thông quốc tế trong một thời gian dài, khiến nhiều người trên thế giới chưa biết đến ẩm thực Việt Nam.
Để khắc phục điều này, chúng ta cần tập trung xây dựng chiến lược marketing toàn diện, kết hợp việc tôn vinh bản sắc văn hóa và truyền thống ẩm thực, giúp ẩm thực Việt Nam vươn xa trên bản đồ ẩm thực thế giới. Chúng ta có thể dũng cảm chấp nhận từng bị coi là "lép vế" để từ đó định vị lại vị thế của nền ẩm thực nước nhà, xác định nó đang ở đâu và sẽ đi về đâu. Chỉ khi đạt được điều này, chúng ta mới có thể lập lại cân bằng và tạo tiền đề cho sự thâm nhập, nhận diện và chấp nhận của ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.
Khi nguồn kinh phí còn hạn chế như hiện nay, theo ông, đâu sẽ là cách quảng bá hiệu quả nhất?
- Với bối cảnh quốc tế hiện nay, Việt Nam đã khẳng định rõ nét vị thế của mình. Tôi cho rằng cần xác định một cách nghiêm túc từng hạng mục trong việc hoạch định và xây dựng kế hoạch quảng bá ẩm thực, cân nhắc năng lực cốt lõi và dựa vào sức mạnh của cộng đồng để thực hiện từng giai đoạn, lan tỏa thông tin một cách hiệu quả.
Phương pháp hiệu quả nhất là kết hợp giữa trải nghiệm thực tế và công nghệ số, bao gồm việc tận dụng mạng xã hội và các nền tảng số để lan tỏa ẩm thực Việt Nam rộng rãi. Chẳng hạn như VCCA, với nguồn lực tài chính hạn chế, chúng tôi đã dựa vào tiềm năng và thế mạnh của tập thể để thực hiện thành công Đề án Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam giai đoạn 1, làm tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. Các dự án bao gồm xây dựng bảo tàng ảo, bản đồ số ẩm thực Việt Nam, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm cung cấp nền tảng dễ sử dụng, giúp người dân tiếp cận tổng kho ẩm thực một cách dễ dàng. Công nghệ mới này sẽ giúp người dùng khám phá ẩm thực qua hình ảnh, video hướng dẫn sinh động, hỗ trợ ngôn ngữ và thống kê để phát hiện các món ăn mới, góp phần vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Đây là một bước tiến lớn trong việc quảng bá và nâng cao vị thế ẩm thực Việt Nam.
Đề án này chắc không chỉ gói gọn trong phạm vi Việt Nam?
- Đúng vậy. Thông qua đề án này, chúng tôi cam kết xây dựng một hình ảnh của nền văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú và chất lượng, tạo nên điểm nhấn hấp dẫn, độc đáo và đặc sắc để thu hút thực khách trong nước và du khách quốc tế trải nghiệm, góp phần vào sự phát triển kinh tế du lịch của đất nước.
Tôi tin rằng hành trình "biến ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia" là điều không thể diễn tả bằng lời. Đó là một hiệu lệnh, một thách thức lớn! Tuy nhiên, chúng tôi tự tin sẽ thực hiện kế hoạch này một cách thành công như kỳ vọng.
Tôi tin rằng trong tương lai không xa, ẩm thực Việt Nam không chỉ trở thành thương hiệu quốc gia mà còn là thương hiệu toàn cầu.
Bình luận (0)