Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài 68 km, dọc bờ biển Thừa Thiên - Huế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và rộng 1-10 km, tổng diện tích mặt nước 216 km2. Đây là hệ đầm phá gần kín với 2 cửa Thuận An và Tư Hiền ăn thông với biển phía ngoài, gồm 3 đầm - phá hợp thành: phá Tam Giang, đầm Thủy Tú (gồm 3 đầm Thanh Lam hay còn gọi là đầm Sam Chuồn, đầm An Truyền và đầm Thủy Tú) và đầm Cầu Hai. Đây được xem là hệ đầm phá nước lợ có diện tích lớn nhất Đông Nam Á.
KBT thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai (thành lập căn cứ quyết định của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành vào tháng 2-2020) là một khu vực nằm trong hệ đầm phá này, bao gồm 2 phân vùng Ô Lâu, Cồn Tè - Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Tổng diện tích KBT này rộng hơn 2.000 ha cùng với vùng đệm, vùng sinh cảnh liên kết gần 98.000 ha.
Phá Tam Giang - Cầu Hai ngoài đa dạng sinh học còn có tiềm năng về du lịch sinh thái
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng việc công bố thành lập KBT thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong việc bảo tồn, khai thác, phát triển đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đánh dấu sự hợp tác thành công tiếp theo giữa Bộ TN-MT với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và tỉnh Thừa Thiên - Huế trong đồng hành nghiên cứu, định hướng khai thác, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định việc lập KBT này nhằm mục tiêu bảo vệ và phục hồi các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế đặc trưng cho đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Bên cạnh đó sẽ duy trì các chức năng sinh thái và đặc tính liên kết giữa các sinh cảnh của đầm phá ven biển; giảm thiểu những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường sống, cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng tại địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu của khu bảo tồn. Trong đó chú trọng quản lý khách quốc tế và khách du lịch trong quá trình điều hành các chuyến du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học trong khu vực.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng việc thành lập KBT đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai thể hiện cam kết và quyết tâm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái ở khu vực này. Qua đó góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đã thành lập 23 khu bảo vệ
Theo sách Địa chí Thừa Thiên - Huế, do có tính đa dạng cao về sinh cảnh, sự biến động theo mùa và thường xuyên của chế độ thủy lý, thủy hóa, nguồn dinh dưỡng tại chỗ và sông suối tải vào phong phú mà hệ sinh thái động vật Tam Giang - Cầu Hai rất giàu về thành phần loài, đặc biệt là động vật thủy sinh. Đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở hệ đầm phá này.
Bình luận (0)