xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền: Gieo chữ ở Trường Sa

MAI THẮNG

Gác lại tuổi thanh xuân, 4 thầy giáo tình nguyện ra Trường Sa gieo chữ cho học sinh. Nhờ có các thầy, những lớp học đặc biệt trên đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn rộn vang tiếng con trẻ

Quần đảo Trường Sa được ví như "chân trời" của Tổ quốc Việt Nam. Ở nơi "thừa nắng gió, thiếu rau xanh, nước ngọt và hơi thở đất liền" ấy, có 3 lớp học đặc biệt. Thầy giáo là những thanh niên tình nguyện, còn học sinh là con em của dân chài mưu sinh tại đảo và con bộ đội Hải quân Trường Sa.

"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình"

Một trong 4 thầy giáo trẻ đang thầm lặng ngày đêm gieo chữ cho học sinh Trường Sa là Bành Hữu Tình, thuộc Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa.

Đã 4 năm liền gắn bó với lớp học, thầy Tình luôn có khát vọng cháy bỏng là đem trí tuệ, kiến thức và niềm đam mê của mình dạy chữ cho các em. Thầy bảo: "Với tôi, Trường Sa và các em học sinh là một phần máu thịt không thể tách rời. Vì vậy, tôi muốn cống hiến cho học sinh Trường Sa bằng tất cả nghị lực và tri thức".

Năm 2018, khi biết tỉnh Khánh Hòa chọn giáo viên nam trẻ tuổi ra Trường Sa dạy học, thầy Bành Hữu Tình đã viết đơn tình nguyện xung phong ra đảo. Sau 3 ngày đêm hải trình không nghỉ, tàu HQ-957 đưa thầy và bộ đội cập đảo Trường Sa Lớn. Đêm đầu tiên giữa sóng nước trùng khơi, thầy Tình không sao chợp mắt. Phần vì lạ đảo, lạ giường, phần vì xao xuyến với những đứa trẻ lúc chiều ùa ra đón thầy nơi sân cảng.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Gieo chữ ở Trường Sa - Ảnh 1.

Thầy giáo Bành Hữu Tình hạnh phúc cùng 6 học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2018

Sau thời gian sắp xếp "nơi ăn chốn ở", buổi học đầu tiên của thầy Tình là 6 học sinh. Trong đó có 1 em lớp 4, 2 em lớp 2 và 3 em lớp mẫu giáo. Đứng trên bục giảng, thầy xúc động nhìn các em bảo: "Kể từ hôm nay, thầy gắn bó cùng các con trong suốt quá trình học tập, vui chơi, vệ sinh lao động. Con nào có tâm sự hay thắc mắc gì, cứ mạnh dạn hỏi thầy nhé. Thầy Tình nhớ lại: "Lúc đó, nhìn 6 đứa trẻ ngơ ngác, thương lắm. Tôi bấm bụng nghĩ "sẽ gian khổ đây" nhưng quyết tâm gieo chữ cho các em thôi thúc tôi không được lùi bước".

Thầy Tình nói rằng mỗi ngày ở lớp học đặc biệt này là những kỷ niệm đẹp khó quên. Những tình huống "khó đỡ" của các em trong giờ học như: "Thưa thầy, em bị đau bụng ạ", "Thầy ơi, con bị đau chân"… lâu ngày thành quen thuộc. "Thứ bảy, chủ nhật là thấy cô đơn nhất vì vắng tiếng các em. Thứ hai, đứng trên sân trường đưa tay chào cờ Tổ quốc, cảm giác thiêng liêng và kiêu hãnh. Thời gian dạy học ở đảo theo định kỳ nhưng nếu được, tôi xin ở lại đảo. Càng gắn bó với các em, tôi càng yêu Trường Sa hơn bao giờ hết" - thầy Tình bộc bạch.

Cùng chung khát vọng cống hiến vì học sinh Trường Sa, thầy Nguyễn Hữu Phú, Trường Tiểu học đảo Song Tử Tây, chia sẻ: "Đã chấp nhận ra Trường Sa gieo chữ thì gian khổ đến mấy cũng chẳng là gì". Với thầy Phú, lời bài thơ "Một khúc ca xuân" của nhà thơ Tố Hữu: "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?" in sâu trong tim, trở thành quan niệm sống, khát vọng cống hiến.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Gieo chữ ở Trường Sa - Ảnh 2.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú chỉ bài cho học sinh trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh do các thầy cung cấp)

Theo thầy Phú, tuy điều kiện dạy và học ở đảo còn khó khăn nhưng các cấp lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và bộ đội Trường Sa luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, học tập của các em. May mắn là trong thời điểm này, các em vẫn đến lớp bình thường chứ không phải học trực tuyến như học sinh ở đất liền.

Trong khi đó, 2 thầy giáo trẻ Phạm Xuân Diệu và Nguyễn Công Qua gắn bó với "lũ trẻ" Trường Tiểu học đảo Sinh Tồn. "Do điều kiện học sinh ít hơn ở đất liền nên chúng tôi tìm phương pháp giảng dạy trực quan sinh động, sát với thực tế cho các em. Thứ bảy, chủ nhật tổ chức cho các em lao động dọn vệ sinh, cùng bộ đội trồng rau xanh quanh đảo hoặc tổ chức những trò chơi nhằm giúp các em có thêm kỹ năng sống. Gắn bó với đảo, mình càng quyết tâm dạy chữ, cố gắng giúp các em biết chữ, vững kiến thức để tiếp tục con đường học tập sau khi trở về đất liền" - thầy Diệu giãi bày.

Khát vọng cống hiến

Thầy Bành Hữu Tình gửi cho tôi tấm ảnh thầy ôm bó hoa đứng giữa 6 em học sinh trước tấm bảng ghi dòng chữ "Chào mừng ngày Nhà giáo 20-11". Thầy bảo đây là tấm ảnh trong lễ kỷ niệm 20-11 năm đầu tiên thầy dạy học ở Trường Sa. Bó hoa các em tặng là hoa bàng vuông và hoa dại được hái từ triền đảo. "Đó là bức ảnh đẹp nhất của một phóng viên chụp trong ngày 20-11-2018 gửi lại cho tôi. Trong 6 em học sinh ngày ấy, một em đã vào đất liền để học lớp 6, các em còn lại vẫn đang học với tôi. Ở đây tình cảm thầy trò luôn thân thiện. Tôi xem các em như con, em ruột của mình. Phụ huynh học sinh cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thầy hoàn thành nhiệm vụ" - thầy Tình nói.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua là ngày vui nhất trong năm của 4 thầy giáo trẻ: Bành Hữu Tình, Nguyễn Công Qua, Phạm Xuân Diệu, Nguyễn Hữu Phú. Nhận bó hoa tươi của học sinh hái được từ nơi khô cằn sỏi đá, dù là cỏ dại hay hoa bàng vuông, các thầy đều cảm nhận được tình cảm các em dành cho mình. Tình cảm và niềm vui ấy mỗi ngày được nhân lên, thành khát vọng cống hiến.

Trường Sa bây giờ đang là mùa sóng to gió lớn. Mặc cho giông tố cuồng phong, mặc cho nắng nóng và thời tiết khắc nghiệt, 3 lớp học đặc biệt ở 3 đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn vẫn hoạt động bình thường. Trong những lớp học đặc biệt ấy, 4 thầy giáo trẻ đang miệt mài gieo chữ cho học sinh.

Trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn trăm bề ở nơi đầu sóng ngọn gió mới thấy khâm phục ý chí, nghị lực, lý tưởng sống cao đẹp của những thầy giáo tình nguyện vì Trường Sa thân yêu.

Cùng với những bó hoa dại của các em, xin cảm tác gửi tặng các thầy bài thơ "Gieo chữ ở Trường Sa":

"Đảo Trường Sa mừng ngày nhà giáo

Chẳng có hoa tươi như ở đất liền

Những học trò và "lính đường biên"

Tặng các thầy, san hô của biển.

Tuổi thanh xuân các thầy cống hiến

Gieo chữ, trồng người ngoài đảo Trường Sa

Thầm lặng, quên mình với bão tố phong ba

Cho em nhỏ đến trường, đến lớp.

Vất vả gian lao kể sao xiết được

Nhưng tự hào đầy ắp trong tim

Tiếng trẻ thơ đọc chữ lúc bình minh

Có khát vọng của các thầy giáo trẻ.

Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn

Ba điểm trường giữa sóng nước trùng

dương

Gieo chữ, trồng người, ươm khát vọng

kiên cường

Bảo vệ Trường Sa, đảo tiền tiêu Tổ quốc". 

Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2, năm 2021-2022 được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Tác phẩm dự thi là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh. Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.

Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng; 1 giải nhì 30 triệu đồng; 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

Chi tiết về cuộc thi xem tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-20210829123949148.htm.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Gieo chữ ở Trường Sa - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo