Sau hai ngày tổ chức tại Hà Nội, hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 13 đã kết thúc vào ngày 19-11. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại và những vấn đề nóng bỏng của chính trị quốc tế dự báo tác động đến tình hình ở biển Đông. Điều có thể khẳng định là trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn kiên định với lập trường của mình và được nhiều quốc gia, học giả quốc tế ủng hộ.
Lo ngại hành động của Trung Quốc
Trong phiên khai mạc, hội thảo đã có những phát biểu đề dẫn của các chính khách uy tín trên thế giới như cựu Thủ tướng Úc Kenvin Rudd, cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty M.Natalegawa, Quốc vụ khanh phụ trách khu vực châu Á - Bộ Ngoại giao Anh Amanda Milling, Giám đốc điều hành Chính sách an ninh và phòng thủ chung (CSDP) của Liên minh châu Âu Pawel Herczynski, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sujan Chinoy.
Cựu Thủ tướng Úc Kenvin Rudd đã khái quát vấn đề biển Đông đang diễn ra trong bối cảnh sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai đại cường Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, nổi bật là việc Trung Quốc đang vươn mình trở thành một siêu cường, cùng với việc nước này thay đổi chiến lược, không còn "giấu mình chờ thời" nữa. Điều đó dẫn đến sự phản ứng của Mỹ trong việc bảo vệ vị trí siêu cường của mình.
Điều khiến các chính khách, học giả dự hội thảo quan tâm trước việc Trung Quốc không còn "giấu mình chờ thời", đó là vào đầu tháng 1 và tháng 8 năm nay, nước này lần lượt ban hành Luật Hải cảnh và Luật An toàn Giao thông Hàng hải. Trong vòng 4 tháng qua, Trung Quốc nhiều lần làm phức tạp tình hình khi can thiệp các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt của Indonesia và Malaysia tại biển Đông. Mới đây nhất, ngày 15-11, Trung Quốc lại có những hành động đe dọa hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia. Lần này, Bắc Kinh nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí ở thượng nguồn của Công ty Khai thác và Sản xuất dầu khí (PTTEP) do Thái Lan hậu thuẫn đang hoạt động ngoài khơi vùng biển Sabah của Malaysia.
Đặt ra những lo ngại này trong hội thảo, tiến sĩ Derek Grossman (Tổ chức Nghiên cứu RAND Corporation - Mỹ) chỉ rõ tình trạng an ninh tồi tệ ở biển Đông hiện nay là do "Trung Quốc gia tăng các hành động trên biển Đông, đi ngược lại với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, gây ra những lo ngại ngày càng tăng từ các nước láng giềng trong khu vực".
Đồng tình với quan điểm này, bà Amanda Milling tuyên bố Anh phản đối những sự diễn giải sai trái về UNCLOS; đồng thời kêu gọi: "Chúng ta cần phải bảo vệ biển Đông cùng với các nguồn tài nguyên của nó". Trong khi đó, giáo sư luật quốc tế Nishimoto Kentaro (Đại học Tohoku - Nhật Bản) nói rằng luật pháp quốc tế chung không thể được sử dụng để bao che cho các hành vi trái với UNCLOS. Ông Nishimoto Kentaro lên án việc Trung Quốc luôn nói rằng UNCLOS là rất quan trọng, tất cả các quốc gia cần tôn trọng công ước này. Tuy nhiên, năm 2020, Trung Quốc đi ngược lại UNCLOS bằng việc ban hành công hàm để bao biện cho các hành vi sai trái của mình, tự phủ nhận Phán quyết PCA năm 2016.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Trong ảnh: Lữ đoàn 167 - Vùng 2 Hải quân huấn luyện trên biểnẢnh: TUẤN CƯỜNG
Vì một tương lai tốt đẹp hơn
Với mục tiêu luôn nêu cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu khẳng định: "Trong khi UNCLOS được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực". Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới mọi mặt của thế giới. Vì vậy, thế giới đang cần chung tay, hợp tác vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu toàn cầu, vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Giáo sư Nguyễn Chu Hồi cho rằng trong bối cảnh tranh chấp ở biển Đông, các hoạt động hợp tác khoa học biển cần được tăng cường. Cả UNCLOS và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002 đều công nhận và khuyến khích việc hợp tác nghiên cứu khoa học biển ở đây. Điều này khiến các bên tham gia có thể giảm thiểu được căng thẳng và giúp duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông.
Từ đó, giáo sư Hồi đề xuất: "Cần thiết lập những cơ chế hợp tác cụ thể cho vấn đề nghiên cứu khoa học biển; ngưng hoạt động của các con tàu thuộc sở hữu nhà nước mượn danh "nghiên cứu khảo sát biển" trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác".
Như mục tiêu của hội thảo đặt ra là "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn", đại diện nhiều quốc gia, chính khách, học giả quốc tế ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam, đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai của biển Đông sẽ trở thành một "vùng biển của hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, không những chỉ của khu vực mà còn của toàn thế giới".
Tất cả chúng ta, người dân Việt Nam và những người dân trên thế giới yêu biển Đông và yêu chuộng hòa bình, đều cầu mong cho điều ấy thành sự thật, dù biết không hề dễ dàng.
Bác bỏ luận điệu của Trung Quốc
Đáng chú ý là hội thảo năm nay đã thiết kế một phiên để bàn về nội dung và giải thích Hiệp ước San Francisco năm 1951. Phía Trung Quốc ngang ngược khẳng định với hiệp ước này, quốc tế đã trao và thừa nhận chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Thế nhưng, các học giả phương Tây đã kịch liệt phản đối cách diễn giải bóp méo sự thật như vậy.
Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau (Trường Đại học Paris Diderot - Pháp) thẳng thừng bác bỏ luận điệu của Trung Quốc, khi cho rằng Hiệp ước Hòa bình San Francisco đã không trao bất cứ quyền nào cho Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. "Các hiệp ước hòa bình ký kết với Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 chỉ xác nhận chính thức sự thật rằng Nhật Bản không có liên quan bất cứ chủ quyền nào đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả. Trong khi đó, danh nghĩa chiếm hữu của Việt Nam đối với cả hai quần đảo này không hề bị suy giảm" - giáo sư Monique Chemillier-Gendreau nhấn mạnh.
Trong khi đó, tiến sĩ Bill Hayton (Anh) cung cấp các bằng chứng lịch sử từ thời chính quyền Tưởng Giới Thạch để chứng minh Hiệp ước San Francisco không hề trao quyền cho Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tiến sĩ Bill Hayton còn đưa ra hai sự kiện tàu đắm năm 1894 và năm 1896 cùng các tài liệu lịch sử chính thức từ phía Trung Quốc hồi thế kỷ XIX để khẳng định Trung Quốc không có các bằng chứng thuyết phục nào về chủ quyền của họ đối với các quần đảo ở biển Đông, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2, năm 2021-2022 được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Tác phẩm dự thi là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh. Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động. Cơ cấu giải thưởng, gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng; 1 giải nhì 30 triệu đồng; 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Chi tiết về cuộc thi xem tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-20210829123949148.htm.
Đơn vị đồng hành
Bình luận (0)