Đêm tĩnh lặng. Khoảng thời gian hiếm hoi trong ngày tôi cảm thấy mình được giải phóng khỏi những bộn bề cuộc sống, thả suy tư chìm đắm vào trong từng câu chuyện, từng số phận mà tôi đã có cơ hội ghi lại được qua nhiều chuyến đi. Tìm đến thư mục "30 năm Tiểu đoàn DK1", chọn tệp âm thanh phỏng vấn "Trung tá Bùi Xuân Bổng", tôi nhắm mắt, lắng nghe một giọng nam trầm khàn cất lên...
"... Đêm 4-12, rạng sáng 5-12-1990, Nhà giàn 1/3 (Nhà giàn Phúc Tần) gặp sự cố, gió lớn, sóng to từng đợt trùm lên nhà. Lúc 21 giờ ngày 4-12, bão ập đến, nhà giàn bị nghiêng. Tôi cùng anh em nhanh chóng báo cáo về Sở Chỉ huy... Đến 2 giờ ngày 5-12, sóng tiếp tục dâng cao, biển động dữ dội, nhà giàn không chịu được nữa, đổ sập. Anh em chúng tôi bị sóng vùi dập cứ tản dần, tản dần. Tôi cố gắng gào gọi anh em gom về một chỗ để có gì còn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau nhưng rồi đêm tối không thể nào nhìn thấy nhau, người ở đỉnh sóng này, người ở đỉnh sóng kia không còn gọi và nghe nhau được nữa. Trong quá trình trôi dạt, tôi túm được một mảng phao bè vỡ và kéo theo được 2 đồng chí nữa. Ba người chúng tôi cứ thế trôi dạt trên biển...
Tới tầm 18 giờ ngày 5-12, tàu HQ-711 tìm được 5 anh em, 3 người vẫn chưa tìm được. Cấp trên điều động rất nhiều tàu đến; các tàu ở khu vực DK1, các tàu hoạt động ở Trường Sa cũng đến. Chúng tôi dốc toàn lực để quan sát, tìm kiếm, suốt đêm vẫn không thấy; hai, ba ngày sau cũng không thấy. Có lẽ 3 đồng chí đó không ôm được vật gì nổi, không chống chọi được sóng nên đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi...".
Vợ con liệt sĩ Trần Văn Là
Tôi bấm chuột cho tệp âm thanh dừng lại, gạt nhanh giọt nước mắt. Tôi đã nghe bản ghi này vài lần nhưng lần nào tới đoạn tàu kết thúc tìm kiếm để quay về bờ cũng không kìm được xúc động. Những người đã vĩnh viễn không trở về đất liền đó là thượng úy Trần Hữu Quảng, Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn 1/3; y sĩ - thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Là và chiến sĩ Hồ Văn Hiền, nhân viên cơ điện. Trong 3 người hy sinh, thượng úy Trần Văn Là đã có gia đình.
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi gặp Duyên, con gái duy nhất của thượng úy Trần Văn Là, ở Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Đó là vào ngày 5-7-2019. Cô gái tròn 30 tuổi ấy từ quê nhà Quảng Trị được mời vào Vũng Tàu để dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tiểu đoàn DK1 với vai trò là thân nhân liệt sĩ. Dù đã là mẹ của 2 con nhưng ánh mắt của Duyên khi gặp những đồng đội của cha mình năm xưa vẫn khiến tôi ám ảnh. Đó là ánh mắt trong veo, ngơ ngác của một đứa trẻ tìm bố trong đám đông, là cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ khi đứng cùng những bác, những chú tóc đã phủ màu thời gian.
Chai nước biển được tác giả lấy từ vùng biển Nhà giàn 1/3 để đặt lên bàn thờ liệt sĩ Trần Văn Là, theo ước nguyện của người con gái
Tâm sự với tôi, Duyên hồi tưởng: "Kỷ niệm duy nhất em nhớ về ba là lúc nào ba bồng em đi, em cũng khóc. Bởi vì em được 8 tháng tuổi thì ba mới về phép lần đầu tiên, đến lúc em được 1 tuổi rưỡi thì ba về lần thứ hai, sau đó ba đi luôn. Nhà chỉ có 2 mẹ con nhưng mẹ em không đi bước nữa. Mẹ nói nhà có con gái, đi bước nữa thì tội cho con nhưng thực ra mẹ vẫn mong ba sẽ trở về".
Duyên cũng kể cho tôi nghe về khoảng thời gian khó khăn của 2 mẹ con sau khi ba hy sinh. Khi được hỏi về điều mong muốn nhất, Duyên nghẹn ngào: "Trong tâm em vẫn luôn mong một lần đến được nơi ba đã hy sinh, lấy nước biển, san hô hoặc cát mang về thờ cúng cho ba". Chúng tôi cùng ôm nhau khóc.
Tháng 1-2020, tôi nhận nhiệm vụ tham gia đoàn công tác chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam mà vẫn đau đáu trong lòng ước nguyện của Duyên. Những chuyến tàu dịp cuối năm âm lịch chưa bao giờ là dễ dàng. Khi miền Bắc co ro trong giá rét của những đợt gió mùa Đông Bắc thì cũng đồng nghĩa với việc tàu chúng tôi phải gồng mình vượt qua những đợt sóng cao 6-7 m, biển động dữ dội. Từ lúc bước chân lên tàu, tôi không ăn được gì, nôn ra mật xanh mật vàng vì say sóng. Dù nằm trên giường trong tư thế víu chặt tay vào nệm nhưng mỗi lần sóng lắc ngang, tôi đều bị trượt xuống sàn. Trong cơn mụ mị vì say sóng, tôi nhớ tới câu chuyện của trung tá Bùi Xuân Bổng: "Anh Là là người Quảng Trị, anh ấy nhiều tuổi nhất. Anh ấy vốn được điều ở dưới tàu lên nên có nhiều kinh nghiệm và rất bình tĩnh. Chúng tôi chỉ tập trung làm tốt công tác chuẩn bị rồi bàn bạc với nhau làm sao khi nhà đổ có thể tồn tại trên biển lâu nhất. Tôi đoán thế nào anh Là cũng nghĩ đến gia đình nhưng không nói ra thôi".
Tôi tỉnh dậy bởi những bước chân, tiếng động ngoài hành lang. Giọng chính trị viên tàu vang lên trong loa nội bộ: "Đúng 7 giờ 30 phút toàn tàu có mặt trên boong để làm lễ tưởng niệm!". Tôi ngồi bật dậy thay quân phục, làm vệ sinh cá nhân rồi lần lên boong tàu. Gió biển mát rượi phả vào mặt khiến tôi ngây ra một lúc. Xa xa phía mạn trái của tàu là Nhà giàn DK 1/16 hiên ngang giữa bốn bề sóng dữ. Phúc Tần! Đây chính là bãi cạn Phúc Tần, nơi Nhà giàn 1/3 đã bị đổ trong cơn bão năm 1990. Trên mỗi hải trình công tác qua nơi này, các tàu đều dừng lại để làm lễ tưởng niệm cho 3 chiến sĩ đã hy sinh năm xưa. Hình ảnh của Duyên, câu chuyện của trung tá Bổng tràn ngập suy tư của tôi. Tôi vội vã lấy một chai nước suối, súc thật sạch rồi xin phép chỉ huy đoàn công tác được lấy một chai nước biển mang về.
Đó là ngày 27 tháng chạp, Tết đã cận kề. Ngay sau khi kết thúc hải trình chúc Tết nhà giàn, tôi báo cáo đơn vị nghỉ phép 2 ngày. Nhưng thay vì bay về Hà Nội, tôi bay thẳng tới Huế. Trong tay tôi là địa chỉ nhà Duyên: "Khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị" và chai nước biển mà tôi gìn giữ như báu vật suốt hải trình 15 ngày lênh đênh trên biển.
Không thể nào kể xiết nỗi xúc động khi chúng tôi gặp gỡ. Mẹ của Duyên, người thiếu phụ chờ chồng năm xưa, nay đã thành bà ngoại. Bà run run đặt chai nước lên bàn thờ rồi khấn trong tiếng nấc: "Anh ơi, đến hôm nay anh mới trở về nhà. Anh sống khôn thác thiêng, xin anh phù hộ cho gia đình mình sức khỏe, bình an...". Ngoài sân, lất phất mưa phùn. Mùi hương trầm quyện vòng quanh gian phòng nhỏ. Duyên nắm chặt tay tôi, nước mắt vẫn lăn dài trên má nhưng tôi biết, nỗi khắc khoải trong lòng cả 2 chúng tôi đã dịu lại.
Hơn 30 năm qua, có những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã mãi mãi nằm lại với biển khơi, thân xác họ vĩnh viễn hòa tan vào nước biển để ngày hôm nay, chúng ta có những nhà giàn vững chãi, hiên ngang nơi đầu sóng, là chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Tôi tháo tai nghe, với tay lấy cây bút và cuốn sổ, bắt đầu phác những dòng đầu tiên của câu chuyện này. Có lẽ, sẽ chưa thật trọn vẹn với gia đình Duyên, với người đồng chí, liệt sĩ Trần Văn Là, với cả cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 nếu như tôi chưa kể lại cho mọi người nghe hành trình của "Mộ nước"...
Gần 200 tác phẩm dự thi
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; khơi dậy ý thức của mọi tầng lớp nhân dân trong giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển đảo, bảo vệ không gian sinh tồn đời đời của dân tộc Việt Nam, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.
Cuộc thi được phát động, nhận tác phẩm từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.
Đến nay, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 200 tác phẩm dự thi. Đối tượng bạn đọc dự thi khá đa dạng, bao gồm nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia về biển Đông, giới văn nghệ sĩ, sinh viên, giáo viên, trí thức kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, với quy mô, ý nghĩa to lớn của cuộc thi, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát động phong trào viết bài tham gia cuộc thi trong toàn lực lượng Cảnh sát biển. Hơn 60 tác phẩm do chính cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đã được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tập hợp, gửi về Báo Người Lao Động tham dự cuộc thi này, qua đó tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn lực lượng.
Ngoài gần 40 tác phẩm đã được đăng trên chuyên trang biển đảo phát hành vào thứ 6 hằng tuần, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ tiếp tục chọn lựa những tác phẩm xuất sắc để đăng trên báo in và báo điện tử Người Lao Động. Báo Người Lao Động sẽ lập hội đồng giám khảo, hội đồng chấm giải để tiến hành thẩm định, chấm giải, tổ chức trao thưởng trong thời gian tới.
Ban Tổ chức
Bình luận (0)