xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Chủ quyền bất diệt

Bài và ảnh: Ân Nguyễn

Dưới lòng biển rộng lớn kia, đã có biết bao chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

"Cù lao đảo nhỏ quê ta/Dạt dào sóng biển thuyền ra thuyền vào/Đêm nằm ngửa mặt trông sao/Trông cho biển lặng cá vào đầy ghe".

Lúc bước vào lớp 1, đây là bài ca dao tôi và lũ bạn tập đánh vần và cho đến tận bây giờ, khi đã tốt nghiệp đại học, vẫn không thể nào quên.

Sinh ra ở vùng núi phía Tây Nghệ An, khi còn thơ bé, nhà không có tivi, suốt ngày chăn trâu ngoài đồng hay trên những đồi sim tím biếc, "biển" là một khái niệm trừu tượng đối với tôi. Cứ mỗi khi hè về quê, tôi lại đón rất nhiều người từ vùng biển Diễn Châu đến đổi muối và mắm. Thứ mẹ tôi đổi cho họ là thóc. Mỗi lần mẹ đổi nhiều lắm, cả một chum muối đặt dưới gốc dừa để ăn suốt cả mùa mưa bão. Tôi hỏi: "Biển là gì hở mẹ?", mẹ chỉ bảo: "Biển rộng lắm, sau này lớn con có thể đi".

Qua những bài ca dao đọc được, tôi chỉ biết biển rộng lớn hơn con sông mà chiều hè nào lũ trẻ chúng tôi cũng thả diều trên đê hay cùng chị chèo thuyền hái bông súng mỗi dịp chị đi xa về quê thăm nhà. Tôi yêu biển và khao khát được một lần đến biển.

Lên cấp II, với những kiến thức về biển học được trên nhà trường cùng với sự tìm tòi của bản thân, tôi biết đến biển nhiều hơn và ấp ủ trở thành một chiến sĩ hải quân. Nghe ba kể về huyền thoại những "chuyến tàu không số" với con đường Hồ Chí Minh trên biển, nỗi khao khát trở thành một chiến sĩ ngày đêm góp sức mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương ngày càng nồng cháy hơn trong lồng ngực đứa trẻ 13 tuổi.

Mười lăm tuổi, tôi bắt đầu tìm hiểu Học viện Hải quân, mới biết được học viện chỉ tuyển sinh đối với nam. Nỗi thất vọng bấu víu lấy tâm hồn một đứa trẻ vì giấc mơ từ thuở nhỏ không thể thực hiện được. Tôi dằn vặt bản thân và trách ba mẹ đã sinh ra mình là con gái.

Không từ bỏ tình yêu đối với biển, tôi tìm hiểu các ngành học liên quan đến biển và rồi quyết định chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền để có cơ hội được đến những vùng biển ở quê hương mình tác nghiệp, để được đắm chìm vào lòng biển, để được viết, được ghi lại, được chụp lại những dư âm và tiếng vang của sóng, của thuyền cá đầy khoang, của bình minh huy hoàng trên biển.

Ấy thế mà cuối cùng, sau đợt tuyển sinh đại học năm 2015, tôi lại chọn Trường Đại học Luật Hà Nội. Bởi vì với trái tim và khối óc của một người trẻ, tôi hiểu được rằng tình yêu đối với biển, đảo quê hương không nhất thiết phải cầm súng nơi hải đảo xa xôi, cũng không nhất thiết phải đi dọc khắp những miền ven biển mà điều quan trọng hơn, là công dân Việt Nam thì cần hiểu rõ pháp lý về biển Đông, về luật quốc tế quy định về vùng biển, vùng trời của nước ta, để góp tiếng nói của mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo của Tổ quốc mà cha ông ngàn năm đã giữ gìn và được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đặc biệt đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Chủ quyền bất diệt - Ảnh 1.

Nhà giàn DK1 - cột mốc canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc

Mùa hè năm 2017, tôi có cơ hội được đến vùng biển Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Bình minh trên biển giống như những bức tranh sơn mài tôi đã được xem ở phòng tranh triển lãm. Những ánh nắng rọi xuống mặt biển lung linh, sóng sánh ánh bạc, nhẹ nhàng ôm ấp tấm lưng trần cháy nắng của những ngư dân. Những mẻ cá đầy ắp được chuyển về khắp các chợ. Giữa muôn trùng biển khơi, những con thuyền nhỏ ra khơi đánh cá. Những con sóng vẫn dập dìu vỗ vào triền cát ngàn năm, nuôi lớn thế hệ này sang thế hệ khác. Và dưới lòng biển rộng lớn kia, đã có biết bao chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mỗi đoạn bờ biển, mỗi hòn đảo là xương máu của cha anh, là sự kiên cường của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã siết chặt hàng ngũ, giữ vững lá cờ Tổ quốc - biểu tượng chủ quyền quốc gia - trên đảo cho đến phút cuối cùng.

Hằng ngày, hằng giờ, những chiến sĩ vẫn thực hiện nhiệm vụ thầm lặng ngoài khơi xa. Những con thuyền vẫn căng buồm đi đánh cá khắp các ngư trường ở biển Đông; cắm trên nóc lá cờ đỏ sao vàng và dưới mặt biển hiền hòa trong xanh kia là anh linh của những anh hùng đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ngay cả khi đất nước đã thanh bình. Những thế lực xấu vẫn luôn không ngừng dùng luận điệu xuyên tạc và mọi thủ đoạn để bác bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Sóng vỗ ngàn năm, Hoàng Sa - Trường Sa vẫn là chủ quyền bất diệt của Việt Nam. Là thế hệ trẻ đang nắm giữ vận mệnh, tương lai của đất nước, chúng ta cần có sự hiểu biết pháp lý về biển để góp tiếng nói nhỏ bé của mình trong công cuộc bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo.

Thế hệ trẻ phải hiểu được rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng phải ý thức được rằng là quốc gia ven biển, thành viên có trách nhiệm của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam luôn đề cao mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS; kiên trì, kiên quyết, đấu tranh hòa bình để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Mời bạn đọc thi viết về chủ quyền biển đảo

Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.

* Phạm vi đề tài:

- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.

- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

- Sự hy sinh, không ngại khó, ngại khổ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển... đang ngày đêm canh giữ biển khơi cho Tổ quốc.

- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không quản gian lao, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

* Thể loại:

- Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...

* Yêu cầu:

- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.

- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.

* Đối tượng dự thi:

- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.

* Thời gian:

- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.

- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").

l Giải thưởng:

- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.

- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.

- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.

- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.

- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.

* Địa chỉ nhận tác phẩm:

- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM.

- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.

- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn

- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".

Tòa soạn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo