xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: "Đồng bằng là nhà, biển là cửa"

Nguyễn Giao Hưởng

(NLĐO) - Từ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không ngừng phấn đấu để giàu bờ vững biển, kinh tế gắn với quốc phòng, quảng bá sâu rộng với thế giới về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Theo chiều dài lịch sử, ông cha ta đã đổ công sức khai phá, làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Các vương triều Đại Việt thành công đẩy đuổi xâm lăng, mở mang bờ cõi, bảo vệ chủ quyền biển đảo… đều được hậu thế tôn vinh, tri ân.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo:  Đồng bằng là nhà, biển là cửa - Ảnh 1.

Sách "Đại Nam nhất thống toàn đồ" vẽ bản đồ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (ảnh tư liệu)

Trước cuồng vọng xâm lăng Đại Việt đến từ phương Bắc, phương Nam, minh vương Lê Thánh Tông phát huy sức mạnh dân tộc, chủ động Nam chinh Bắc phạt nhằm răn đe, vô hiệu âm mưu của giặc từ xa. 

Tháng 8 âm lịch năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn mang quân tràn ra lãnh thổ Đại Việt cướp phá Thuận Hóa, giết hại dân xứ Nghệ. Trà Toàn vừa ăn cướp vừa la làng, sang cầu viện nhà Minh và tung hỏa mù bị Đại Việt bắt nạt. Ngăn chặn âm mưu mượn gió bẻ măng thôn tính Đại Việt, vua Lê Thánh Tông mang 15 vạn quân chia hai đạo thủy, bộ vào dẹp Chiêm Thành. Chiến thuyền vào tới Thuận Hóa, vua sai người tiền trạm, lập hải đồ, đánh dấu những nơi hiểm yếu trên vùng biển Nam Trung bộ, tiếp tục tiến vào Bình Định hạ thành Đồ Bàn (nay thuộc thị xã An Nhơn), bắt sống Trà Toàn cùng nhiều tù binh Chiêm. Hai người con của danh tướng Nguyễn Xí là Nguyễn Sư Hồi (con trưởng) tổng binh trấn giữ 12 cửa biển phía Nam Đại Việt; Nguyễn Kế Sài (con thứ 5) tổng binh Thuận Hóa đều góp công lớn.

Sau cuộc bình Chiêm, vua Thánh Tông lệnh đưa nội dung bản hải đồ về biển Nam Trung bộ, bổ sung vào sách Hồng Đức bản đồ đã có từ trước. Như vậy, nội dung về biển Nam Trung bộ soạn năm 1470 là cứ liệu xưa nhất về biển đảo Việt Nam chúng ta đang có trong tay.

Từ nửa sau thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, ngư dân Trung bộ đã gọi hai quần đảo giữa Biển Đông là Bãi cát Vàng. Bấy giờ, chúa tiên Nguyễn Hoàng trị vì Đàng Trong từ năm 1558 -1613. Nhà chúa có hai gia tướng là Vũ Thì An, Vũ Thì Trung người Việt gốc Chăm, họ giúp chúa chiếm hữu Bãi Cát Vàng vô chủ mà không nước nào phản đối. Chúa lấy người xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa tổ chức các đội ra quần đảo Bãi Cát Vàng đánh bắt hải sản quý hiếm, trục vớt thu lượm hàng hóa dụng cụ trên các tàu biển bị đắm mang về nộp chính quyền.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo:  Đồng bằng là nhà, biển là cửa - Ảnh 2.

Bản đồ do Đỗ Bá Công Đạo vẽ thế kỷ XVII ghi "Bãi Cát vàng" do chúa Nguyễn quản lý (ảnh tư liệu)

Mãi đến năm 1686, Đỗ Bá Công Đạo người làng Bích Triều huyện Thanh Giang (nay là xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương), Nghệ An, soạn "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư", ghi rõ "Bãi cát vàng" dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm… thuộc vùng biển Đại Việt. Từ tên nôm là Bãi Cát Vàng, về sau do tục sính tên chữ mà gọi là Hoàng Sa -Trường Sa.

Sách Hồng Đức bản đồ thời Lê Thánh Tông, sách Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư thời Trịnh Cương, soạn cách nhau 2 thế kỷ, người đời sau đem gộp vào một quyển là bộ cứ liệu xưa nhất về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên cơ sở đó, các sử gia hậu triều tiếp tục bổ sung biên soạn các bộ sách về nội dung thực thi chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, gồm: "Phủ biên tạp lục" sách Lê Quý Đôn soạn năm 1776; "Đại Việt sử ký tục biên" chính sử, do Quốc sử viện thời Lê - Trịnh soạn; "Lịch triều hiến chương loại chí", sách Phan Huy Chú hoàn thành năm 1821; "Đại Nam thực lục chính biên", bộ sử ký do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn. "Đại Nam nhất thống chí" sách do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn, hoàn thành năm 1882 (được vua Duy Tân cho phép khắc in năm 1910), tiếp tục xác định tăng cường việc quản lý khai thác nguồn lợi tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau Hòa ước Giáp thân (ngày 6-6-1884), Pháp nhân danh thực thi chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ lãnh hải Việt Nam. Người Pháp tiến hành các cuộc tuần tiễu, lập phương án dựng đèn biển trong vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Từ 1930, quân Pháp trấn giữ tại các đảo Trường Sa, An Bang, Ba Bình, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ. Năm 1933 quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa; năm 1938 quy thuộc quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên.

Đầu năm 1939 đến hết thế chiến 2, Nhật chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa. Cuối năm 1946, quân Tưởng lấy cớ giải giáp quân Nhật để chiếm đóng đảo Ba Bình và một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều của Việt Nam. Bị Pháp phản đối, năm 1947 quân Tưởng phải rút khỏi các đảo này. Ở Trung Hoa đại lục, quân Tưởng thua quân Mao, năm 1949 trên đường chạy ra Đài Loan, bại quân Tưởng vẫn không quên chiếm đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam.

Từ năm 1954, Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17. Năm 1955, Mao Trạch Đông cho quân xua đuổi tàn quân Tưởng rồi "giữ hộ" đảo Bạch Long Vĩ không phải của họ. Cũng năm 1955, người Pháp chuyển giao Hoàng Sa – Trường Sa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Năm 1956, Trung Quốc cưỡng chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa cực lực phản đối. Lúc này đảo Bạch Long Vĩ - cánh cổng phía Bắc Biển Đông dù thuộc Hà Nội quản lý, song Bắc Kinh vẫn khư khư "giữ hộ". Đến ngày 16-1-1957, đảo Bạch Long Vĩ mới trở về với đất mẹ Việt Nam. Đầu năm 1974, hai nửa nước Việt chưa ra khỏi cuộc chiến, tập đoàn Trung Nam Hải công khai dùng vũ lực đánh chiếm nốt phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, chúng ngang nhiên dùng vũ lực cưỡng chiếm các đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa đều của Việt Nam.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo:  Đồng bằng là nhà, biển là cửa - Ảnh 3.

Bác Hồ thăm đảo Cô Tô ngày 9-5-1961 (ảnh từ cuốn sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh")

Từ 1956-1963, như đã nói, đảo Bạch Long Vĩ bị Trung Quốc chiếm đóng. Trong khoảng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến thăm các đảo Cô Tô, Tuần Châu, Hòn Rồng, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Vạn Hoa, cùng một số địa phương vùng biển miền Bắc Việt Nam. 

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền biển ngày 10-4-1956, Bác căn dặn: "Đồng bằng là nhà, biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?". Ngày 31-3-1959 ra thăm làng cá Cát Bà, Hải Phòng, Bác nói: "Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc". Ngày 9-5-1961, Bác thăm đảo Cô Tô, tỉnh Hải Ninh (nay là Quảng Ninh). Không lâu sau, tháng 1-1962, Bác kinh lý vùng Đông Bắc. Lần này, tỉnh Hải Ninh xin phép và được Bác đồng ý cho dựng tượng tại nơi từng đứng nói chuyện với quân dân đảo Cô Tô. Không ngẫu nhiên Cô Tô là nơi duy nhất của Việt Nam được Bác cho dựng tượng khi còn sống.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo:  Đồng bằng là nhà, biển là cửa - Ảnh 4.

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô - thông điệp khẳng định chủ quyền tại phía bắc Biển Đông

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dựng tượng mình trên đảo Cô Tô là dựng bức thông điệp khẳng định chủ quyền Biển Đông là của Việt Nam trước lịch sử và thế giới.

Là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc Luật Biển quốc tế 1982, theo đó Việt Nam có chủ quyền trên các vùng biển và thềm lục địa, diện tích biển mà Việt Nam được hưởng những quyền và lợi ích tài nguyên là gần 1 triệu km2! Các chứng lý lịch sử về thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn thuyết phục cộng đồng quốc tế. Cho dù Trung Nam Hải "cả vú lấp miệng em", bịt tai che mắt hàng trăm triệu người dân Trung Hoa sự thật về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, thì xưa nay nhân dân Việt Nam vẫn tôn trọng hòa hiếu với nhân dân Trung Hoa. 

Chính nghĩa thuộc về Việt Nam. Lấy chí nhân thay cường bạo, trước sau như một Việt Nam quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình!

Việt Nam kiên định vừa hợp tác vừa đấu tranh cả trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao, bằng biện pháp hòa bình, không để xảy ra xung đột quân sự, phù hợp với luật pháp quốc tế. Với thế trận toàn dân toàn diện, chúng ta không ngừng phấn đấu giàu bờ vững biển, kinh tế gắn với quốc phòng, quảng bá sâu rộng với thế giới cứ liệu lịch sử hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.


                                                    

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo