Máu thịt không thể tách rời
Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260 km, trải dài qua 28 tỉnh, thành, với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ xa xưa, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là một phần máu thịt không thể tách rời.
Tàu cá của ngư dân vào neo đậu tránh trú bão ở âu tàu Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)
Lịch sử dân tộc đã ghi nhận trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Hầu hết các cuộc chiến tranh kẻ thù sử dụng đường biển để tấn công xâm lược nước ta đều bị vùi thây tại những tuyến phòng thủ này.
Bước sang thế kỷ 21, "Thế kỷ của Biển và Đại dương", các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, vì thế các quốc gia ngày càng quan tâm tới nguồn tài nguyên từ biển cả. Khu vực biển Đông nước ta càng có vị trí chiến lược quan trọng về cả kinh tế, quốc phòng an ninh.
Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, tác động đến an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển của Việt Nam. Bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh phi truyền thống, hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là nhóm tội phạm về ma túy, buôn lậu có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và hậu quả tác hại.
Trước tình hình đó, ngày 19-11-2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của lực lượng Cảnh sát biển, đồng thời là cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu Cảnh sát biển luôn đồng hành với ngư dân trên biển. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, Đảng và nhà nước ta luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại cho lực lượng nòng cốt là Hải quân, Cảnh sát biển đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ hướng biển.
Luật Biển Việt Nam được kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 đã xác định rõ quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên biển Đông đã, đang và sẽ diễn ra gay gắt; đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn. Trong số các chủ thể tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc là quốc gia có tham vọng lớn nhất.
Tình hình này đặt ra cho Việt Nam: Một mặt, cần khai thác các chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một mặt đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái của phía Trung Quốc, kể cả quan điểm chính thức và quan điểm của học giả.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh
Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài.
Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế.
Những người lính biển ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Ảnh: TTXVN
Tôi tin rằng thế hệ trẻ chúng ta ngày nay, những con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình sẽ biết hóa tình yêu thành sức mạnh, gieo hành động bằng chính phần công sức dù nhỏ bé của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo, mỗi người dân Việt Nam hãy trở thành một tuyên truyền viên giúp mọi người cùng hiểu, cùng nhau giữ gìn hải đảo biên cương của Tổ quốc. Những thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết cống hiến và sáng tạo, cần góp phần để Việt Nam trở thành quốc gia "mạnh về biển - giàu lên từ biển". Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay cần đóng góp sức mình bằng những việc làm cụ thể vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong tình hình mới. Hãy biến yêu thương thành hành động, quan trọng hơn phải biết bình tĩnh, thận trọng trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt khi tham gia mạng xã hội.
Có thể còn những âu lo, còn những khó khăn, thách thức nhưng tình yêu, niềm tự hào sẽ hóa thành sức mạnh khi mỗi người chúng ta sẵn sàng hành động với những việc làm thiết thực xuất phát từ tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng bắt đầu hành trình vì chủ quyền biển, đảo bất khả xâm phạm của Tổ quốc ngay từ hôm nay.
Bình luận (0)