Tính từ đầu năm 2021 đến nay, bộ đội Trường Sa ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân và cán bộ, chiến sĩ 15 nhà giàn DK1 đã cứu hộ - cứu nạn hàng chục ngư dân gặp nạn và tàu thuyền hỏng hóc trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.
Tình người không biên giới
Thượng tá Hoàng Thanh Tú, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, nói rằng: "Việc cứu hộ - cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bảo vệ ngư trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam thời bình. Bất kể người gặp nạn là ai, ngư dân Việt Nam hay nước ngoài, đều được cứu hộ - cứu nạn an toàn. Đối với ngư dân là người nước ngoài, việc cứu hộ - cứu nạn còn thể hiện tình người không biên giới, không phân biệt sắc tộc, màu da".
Ngày 9-11 vừa qua, trong khi cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây vừa rời thao trường huấn luyện phòng thủ trở về thì phát hiện phía Đông Bắc của đảo có 1 xuồng trôi tự do. Qua ống nhòm TZK của chiến sĩ quan sát, phát hiện trên xuồng có 2 ngư dân người nước ngoài đang ra tín hiệu cứu nạn. Lập tức, ban chỉ huy đảo triển khai đội cơ động ra tiếp ứng. Đi cùng có bác sĩ quân y, mang theo dụng cụ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 để phòng dịch Covid-19 và sĩ quan giỏi tiếng Anh. Tàu kiểm ngư KN-464 cũng được báo tin để phối hợp đưa 2 ngư dân vào đảo cấp cứu.
Lúc đó, trời đã chập choạng tối, gió biển thổi mạnh, sóng bắt đầu lớn dần. Do tinh thần hoảng loạn, một trong 2 ngư dân nhảy xuống biển bơi về hướng đảo. Nếu đến trễ vài phút, anh ấy có thể bị sóng cuốn mất. Các chiến sĩ nhanh trí đưa người này vào mép đảo. Liền sau đó, bác sĩ quân y xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, khử khuẩn thân thể, khám bệnh, động viên tinh thần người gặp nạn. Một chiến sĩ cấp báo về Bộ Tư lệnh Vùng 4 và cơ quan đối ngoại Quân chủng Hải quân theo quy định. Ngư dân này tên Crisanto Misa, quốc tịch Philippines.
Trong lúc đó, các kiểm ngư viên tàu KN-464 mở hết vận tốc, tiến nhanh đến khu vực xuồng gặp nạn để cứu ngư dân còn lại. Sau hơn 1 giờ quần thảo trong sóng to gió lớn, tàu KN-464 đã tiếp cận được ngư dân này, là anh Benjemin Abdulla. Nói chuyện với sĩ quan phiên dịch, Benjemin Abdulla cho biết anh và Crisanto Misa làm việc cho tàu câu mực. Tàu có nhiều xuồng nhỏ, mỗi lần đi câu, xuồng nhỏ rời tàu mẹ. Xuồng của cả hai chẳng may chết máy không sửa được, sau đó mất liên lạc với tàu, trôi dạt vào vùng biển Trường Sa. "Trong lúc sóng to gió lớn, tôi rất hoảng loạn. Trong đầu nghĩ không biết có còn sống để trở về. Các bạn đã cứu sống tôi. Cảm ơn các bạn, cảm ơn Việt Nam" - anh Benjemin Abdulla xúc động.
Ngư dân Benjemin Abdulla được y sĩ tàu KN-464 chăm sóc để hồi phục sức khỏe Ảnh: ĐỨC THU
Đã rất nhiều lần tàu KN-464 cứu sống ngư dân người nước ngoài ở Trường Sa. Một y sĩ tàu KN-464 cho biết: "Giữa biển xa sóng to gió lớn, việc cứu hộ - cứu nạn, chăm sóc ngư dân ngoại quốc gặp nạn không chỉ là nhiệm vụ đặc biệt mà còn là tình người".
Yên tâm lao động
Sau một ngày bộ đội đảo Song Tử Tây và kiểm ngư viên tàu KN-464 cứu nạn 2 ngư dân ngoại quốc ở quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/7 Vùng 2 Hải quân thực thi nhiệm vụ cấp cứu 1 ngư dân bị nạn trong khi đánh bắt hải sản tại vùng biển thềm lục địa phía Nam. Đó là ngư dân Phạm Phương của tàu cá Quảng Ngãi QNg-9458 TS, bị liệt tứ chi, khó thở, bí tiểu, nguy hiểm đến tính mạng.
Với mệnh lệnh "Cứu ngư dân như cứu người thân", đại úy Ninh Thế Quyền, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/7, đã chỉ huy tổ công tác khẩn cấp ứng cứu. Y sĩ thăm khám, làm các thủ thuật ép bụng, thông tiểu, trợ tim, giãn cơ, kháng sinh chống nhiễm trùng, trợ lực vận mạch… Sau một ngày đêm tích cực cứu chữa, ngư dân Phạm Phương đã tỉnh lại, hồi phục sức khỏe.
Nhà giàn DK1/7 cấp cứu ngư dân Phạm Phương của tàu cá QNg-9458 TS Ảnh: THẾ QUYỀN
Anh Phạm Văn Hưng, tài công của tàu cá QNg-9458 TS, nói rằng ngư dân Phạm Phương bị nạn do lặn sâu. "Khu vực biển có nhà giàn DK1 nước sâu, rất nhiều cá. Mặc dù chúng tôi đã có các biện pháp bảo vệ khi lặn nhưng cũng không tránh khỏi rủi ro. Mỗi lần gặp nạn, việc đầu tiên là phát tín hiệu cứu nạn xin nhà giàn liên hệ với tàu hải quân giúp đỡ. Đánh bắt cá trong đêm, nhìn thấy đèn nhà giàn nhấp nháy là chúng tôi ấm lòng, yên tâm lao động" - anh Hưng bày tỏ.
Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/7 Ninh Thế Quyền cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn này đã cứu 3 lượt ngư dân tàu cá gặp nạn trong quá trình đánh bắt hải sản. "Ngoài nhiệm vụ làm tiêu cho tàu thuyền quốc tế qua lại trên đường hàng hải quốc tế và bảo vệ chủ quyền biển của Tổ quốc, nhiệm vụ của các nhà giàn DK1 là cứu hộ - cứu nạn ngư dân khi họ gặp nạn. Khi có tin cứu nạn, nhà giàn nhanh chóng phối hợp với tàu trực, lực lượng kiểm ngư tổ chức cứu nạn nhanh nhất. Chúng tôi luôn coi việc cứu ngư dân như cứu người thân trong nhà, không có khoảng cách".
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo dự thi.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)