Xây dựng chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 là một trong những nhiệm vụ được nêu ra tại Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, ngày 16-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030.
Đây là chương trình rất quan trọng, cụ thể hóa các nhiệm vụ về tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền gắn với phát triển kinh tế biển của đất nước trong tình hình hiện nay. Mục tiêu của chương trình là giúp nhân dân hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển đảo, phát triển bền vững kinh tế biển.
Từ thực tiễn tình hình mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì xây dựng chương trình nêu trên - đã đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh truyền thông trong thời gian tới.
Cờ Tổ quốc từ Chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” gắn với các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Báo Người Lao Động đến với ngư dân Ninh Thuận Ảnh: KỲ NAM
Một là, xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch, hoạt động truyền thông về chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, hải đảo; vị trí, vai trò của biển và đại dương đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành và địa phương; tiềm năng, lợi thế, tình hình phát triển kinh tế biển Việt Nam gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; truyền thống về lịch sử, bản sắc văn hóa biển của người Việt qua các thời kỳ.
Trong đó, chú trọng mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững 6 ngành kinh tế biển: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng, khai thác hải sản, công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo; các ngành kinh tế biển mới.
Hai là, thực hiện đổi mới, đa dạng hóa hình thức lẫn nội dung truyền thông về biển và đại dương. Đa dạng hóa hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong các cơ sở giáo dục - đào tạo; truyền thông kết hợp quảng bá du lịch và các hoạt động kinh tế biển khác; truyền thông qua các xuất bản phẩm, phim tài liệu, tư liệu, hội thảo chuyên đề, hội nghị phổ biến, tập huấn, sự kiện, triển lãm về biển và đại dương, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày Đại dương Thế giới.
Các hoạt động truyền thông chú trọng thiết kế nội dung, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Lưu ý khu vực và đối tượng đặc thù như vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và các huyện đảo; đồng bào các dân tộc thiểu số và ngư dân có thời gian lao động trên biển dài ngày; đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
Ba là, tăng cường hợp tác và truyền thông quốc tế; phát huy vai trò của cộng đồng người Việt ở nước ngoài để quảng bá, truyền thông về biển và hải đảo Việt Nam.
Bốn là, khen thưởng, động viên, tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt về tuyên truyền. Đồng thời, xây dựng và tổ chức các giải thưởng, cuộc thi nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia các hoạt động tuyên truyền về biển đảo.
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc nhận diện và tuyên truyền phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động về chủ quyền biển đảo. Kịp thời phản ánh, phê phán, kiến nghị xử lý những quan điểm, hoạt động, hành vi trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển đảo cũng như luật pháp quốc tế về biển; hoạt động khai thác trái phép tài nguyên biển và vi phạm chủ quyền biển quốc gia.
Chủ quyền biển đảo là bất khả xâm phạm, bởi biển đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. Các quốc gia có biển đều quan tâm đến biển, coi trọng việc xây dựng chính sách, chiến lược biển và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Vì lẽ đó, hoạt động truyền thông về biển và đại dương càng phải được chú trọng. Đây là giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả, đồng bộ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát huy vai trò của báo chí
Mục tiêu mà chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 đặt ra là đến năm 2025, 100% cơ quan báo chí trung ương, địa phương và báo đối ngoại có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương trên các sản phẩm thông tin (báo, bản tin, tạp chí in, trang thông tin điện tử, kênh phát thanh, truyền hình) của cơ quan; 100% bộ, ngành liên quan đến quản lý nhà nước về biển và hải đảo, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chuyên mục về biển và đại dương trên trang thông tin điện tử của cơ quan.
Việc Báo Người Lao Động xây dựng chuyên trang "Biển đảo quê hương", tổ chức cuộc thi "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" gắn với chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" (giai đoạn 2 của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã triển khai 3 năm qua) là hoạt động truyền thông rất hiệu quả. Do đó, cần nhân rộng, phát huy hơn nữa vai trò truyền thông trong các cơ quan báo chí. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển đảo và phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.
Bình luận (0)