Đảo Hòn Khoai nằm ở phía Đông Nam Mũi Cà Mau, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ngày 27-4-1990, Hòn Khoai được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia. Bằng nội lực sẵn có và việc quan tâm đầu tư của nhà nước, sau 30 năm kể từ ngày được công nhận di tích, đảo Hòn Khoai đã đổi mới, từng bước phát triển.
Quá khứ hào hùng
Con đường chính từ Bãi Lớn đến đỉnh đảo dài khoảng 3 km giờ đã được trải nhựa phẳng phiu, rợp bóng cây xanh mát. Cạnh đó là các tuyến vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo và ngược lại bằng đường hàng hải rất thuận tiện. Cầu cảng Hòn Khoai luôn đông đúc tấp nập tàu bè, hành khách đi lại.
Hòn Khoai còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: Giáng Hương, Độc Lập hay đảo Poulop vào thời Pháp thuộc. Sở dĩ có tên gọi Hòn Khoai là do quá trình kiến tạo địa chất và sự sắp đặt ngẫu nhiên của tự nhiên, những đảo nhỏ kết nối với nhau tạo hình giống củ khoai khổng lồ giữa biển.
Cũng có truyền thuyết kể rằng xưa kia, cha ông ta đi khai phá đảo, đã mang theo nhiều hạt giống cây trồng từ đất liền ra đây để gieo trồng. Lý do nào cũng đều có cơ sở và vì thế ngư dân thuận tên gọi đảo là Hòn Khoai cho đến giờ.
Đảo Hòn Khoai gồm nhiều đảo nhỏ: Hòn Khoai, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ. Trong đó, Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 4 km2 và cũng là hòn đảo cao nhất so mực nước biển là 318 m. Có một sự thật không ai chối cãi được, đó là đảo Hòn Khoai đánh dấu người Việt đặt chân lên đây cắm mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chủ quyền ấy được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ trai tráng người Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử cách đây 80 năm, ngày 13-12-1940, nhà báo, thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo quân nổi dậy khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi. Tuy nhiên, sau đó, thực dân Pháp bao vây quân khởi nghĩa Hòn Khoai và bắt được Phan Ngọc Hiển cùng các đồng chí của ông. Đến ngày 12-7-1941, giặc Pháp đã xử bắn Phan Ngọc Hiển cùng 7 đồng chí của ông. Ngày khởi nghĩa Hòn Khoai (13-12-1940) được chọn làm ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau. Phan Ngọc Hiển đã được đặt tên cho 1 huyện của tỉnh Cà Mau: huyện Ngọc Hiển. Năm 1990, Hòn Khoai được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngày nay, sự kiện khởi nghĩa Hòn Khoai được khắc trên một tấm bia đá đặt dưới chân ngọn hải đăng Hòn Khoai. Ngọn hải đăng này tròn 100 năm tuổi, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1920, là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất của hải phận Việt Nam. Từ đây phóng tầm mắt ra xa là biển cả bao la, đảo Hòn Khoai hiện lên xanh rì giữa muôn trùng sóng biếc.
Đảo Hòn Khoai - “hòn ngọc” phía Tây Nam của Tổ quốc Ảnh: Duy Nhân
Trở mình vươn lên
Hôm nay, chúng tôi có mặt trên Hòn Khoai mà như nghe đâu đây rầm rập những bước chân, tiếng hò reo của những ngày khởi nghĩa Hòn Khoai 80 năm về trước. Nhớ về những ngày tháng hào hùng ấy, người dân Cà Mau càng tự hào, hạnh phúc hơn trước những đổi thay kỳ diệu của quê hương. Tự hào về Hòn Khoai với những con người đã làm nên lịch sử - một cuộc khởi nghĩa anh hùng.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghĩa Hòn Khoai năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau đang chung sức chung lòng phát triển một "Hòn Khoai mới" trên tất cả lĩnh vực, xây dựng Hòn Khoai thành đảo du lịch ngày thêm giàu đẹp.
Quả thực, Hòn Khoai không chỉ là hòn đảo của lịch sử mà còn là đảo du lịch, có rất nhiều thắng cảnh đẹp làm say đắm bao người. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh rộng lớn, thảm thực vật phong phú đa dạng, động vật hoang dã quý hiếm.
Đặc biệt, Hòn Khoai vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ hiếm nơi nào có được. Khung cảnh thơ mộng, hữu tình, bãi cát vàng trải dài bất tận, sóng nước xanh biếc xô bờ, nắng ấm trong vắt tỏa sáng ngày mới, tạo nên một cảm giác tĩnh lặng, bình yên đến lạ. Không gì tuyệt vời hơn cảm giác được ngồi trên bờ biển Hòn Khoai vào lúc hoàng hôn. Màu trời, màu nước tạo nên một khung cảnh như mơ, như thực. Đắm mình trong không gian hoàng hôn nơi biển Hòn Khoai, như được thấy mình tĩnh lặng hơn, không còn những ồn ào, những xô bồ cuộc sống.
Sau những ngày đi tham quan một vòng quanh đảo Hòn Khoai, những bước chân không biết mệt mỏi vẫn muốn lôi kéo chúng tôi đi mãi, đi mãi để khám phá hết những vẻ đẹp kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho hòn đảo tiền tiêu này, thật xứng danh là "hòn ngọc" phía Tây Nam của Tổ quốc.
Với những thế mạnh về cảnh sắc được thiên nhiên ban tặng, trầm tích các nền văn hóa phong phú, Hòn Khoai đang ngày càng trở mình vươn lên, là miền đất hứa của du lịch Cà Mau, đồng thời là đảo tiền tiêu bảo vệ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc.
Mời bạn đọc dự thi viết về chủ quyền biển đảo
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.
Phạm vi đề tài:
- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.
- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
- Sự hy sinh, không ngại gian khó của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển... đang ngày đêm canh giữ biển khơi.
- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không ngại khó, ngại khổ, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Thể loại: Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...
Yêu cầu:
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng dự thi:
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.
Thời gian:
- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.
- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").
Giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng;
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng;
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng;
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Địa chỉ nhận tác phẩm:
- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.
- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn
- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".
Tòa soạn
Bình luận (0)