Từ thuở bé thơ, tôi đã thần tượng về những người lính bộ đội Cụ Hồ qua lời kể, qua những bài học lịch sử các thầy cô dạy. Lớn chút nữa, tôi dần hiểu thêm cuộc sống gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì hòa bình, tự do, độc lập của đất nước. Và giờ, tôi tự hào trở thành một người lính trong thời bình, một người chiến sĩ cảnh sát biển.
Trong mọi hoàn cảnh, từ sâu thẳm trong tim, chúng tôi tự nhủ can trường, luôn chắc tay súng, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, một lòng phục vụ đất nước xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ - Cảnh sát biển Việt Nam".
Chúng tôi biết rằng để giữ được lời hứa đó, có thể sẽ phải đổi bằng chính thân thể, mạng sống của mình. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi phải đối mặt với những cơn sóng dữ. Cũng không ai dám chắc các tình huống xảy ra có giống như những gì người lính được đào tạo để đối mặt hay không. Nhưng tất cả đều chắc chắn một điều là luôn tận tụy, nêu cao phẩm chất cách mạng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Thật xúc động khi nhắc đến đại úy Phạm Văn Huy, nhân viên Phòng Trinh sát thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận trên biển. Sự hy sinh của anh đã góp phần làm tỏa sáng hình ảnh cao đẹp về phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ - Cảnh sát biển Việt Nam" trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm trên biển, vì sự bình yên của đất nước.
Chiến tranh đã qua đi, đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn nhưng với chúng tôi không bao giờ lơ là nhiệm vụ. Lòng nhiệt huyết, niềm tự hào được canh giữ biển cả, bảo vệ ngư dân, giữ bình yên cho vùng trời, vùng biển của Tổ quốc thì không bao giờ thay đổi. Trong môi trường đấu tranh với tội phạm, đối diện với cái xấu và cái ác ngoài xã hội, người lính cảnh sát biển phải đối mặt với muôn vàn cám dỗ. Với trí tuệ, bản lĩnh và lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, chúng tôi căn dặn nhau cố gắng vượt qua sự cám dỗ vật chất tầm thường ấy.
Còn nhiều lắm những khó khăn, thách thức trên những vùng biển xa xôi đang phải đối mặt. Tại các vùng biển thân yêu, những trận cuồng phong của biển cả đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cứu hộ giúp ngư dân. Những câu chuyện được kể lại khiến người ta kinh ngạc về sức chịu đựng, tình đồng chí, đồng đội, khi người lính nhường nhịn từng miếng lương khô, từng ca nước ngọt cuối cùng cho người ở lại trước khi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng máu của người lính vẫn tiếp tục đổ xuống vì Tổ quốc và nhân dân. Nhiệm vụ của người lính không chỉ là trực tiếp cầm súng, mà còn là sự chuẩn bị, sẵn sàng trước mọi tình huống xảy ra với chính mình.
Cảnh sát biển Việt Nam luôn sẵn sàng nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu Ảnh: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Đổ mồ hôi trên thao trường, không chỉ để bớt đổ máu trên chiến trường, mà còn để bảo đảm sẵn sàng bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc. Chúng tôi luôn tâm nguyện "Âm thầm nhưng anh dũng, đầy bản lĩnh nhưng cũng rất nhiệt thành".
Biển đã có bao năm? Không ai biết! Tình yêu biển có từ khi nào? Không ai biết! Chỉ biết rằng, bảo vệ sự bình yên của biển cả Việt Nam là sự sống còn. Nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi biên giới xa xôi, bao hiểm nguy luôn rập rình. Nhưng biển là quê hương, nơi đó luôn có mặt chúng tôi.
Ai cũng nói: "Biển buổi chiều đẹp lắm" nhưng với riêng tôi, mỗi buổi chiều ngắm biển lại nhớ đến gia đình, nhớ đến người thân yêu. Ấy thế mà khi về đất liền, không thấy biển, tôi lại cồn cào nhớ hoàng hôn ở Trường Sa, nhà giàn; nhớ những rạn san hô, nhớ vị mặn chát của những con sóng bạc đầu.
Máu, nước mắt, mồ hôi đã hòa cùng vị mặn của biển tạo thành một dòng chảy không bao giờ nghỉ ôm lấy quê hương, đất nước này. Biển là tâm hồn, là quê hương, nguồn sống của người lính. Những hôm biển động, tôi càng thương đồng đội thay nhau trực gác trên những con tàu thân yêu. Mắt các anh hằng đêm vẫn sáng, bàn tay chai sạm, màu da anh rám nắng. Máu các anh cũng đã đổ, tuổi thanh xuân đổi bằng sự bình yên cho quê hương mình.
Những thanh niên can trường chúng tôi là như vậy đó, luôn tràn đầy niềm tin sắt đá, ý chí mãnh liệt. Câu hát "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay..." cứ thôi thúc chúng tôi lên đường làm nhiệm vụ.
Và những người lính biển chúng tôi ở mọi miền đất nước, người trước người sau không ai bảo ai tề tựu giữa biển khơi để nắm chắc tay nhau, cùng chung lý tưởng bảo vệ bờ cõi biên cương, giữ bình yên cho Tổ quốc... Sóng gió cuộc đời, sóng gió biển khơi, những người lính qua bao năm vẫn sừng sững, hiên ngang giữa biển, trời canh giữ quê hương.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)