Là quốc gia ven biển, trong những năm qua, Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm, cam kết và phấn đấu thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Pháp luật Việt Nam cũng đã quy định rất rõ ràng, mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở trên biển đều bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, không có sự phân biệt đối tượng hoặc tàu, thuyền vi phạm thuộc quốc gia nào.
Thách thức đối với Việt Nam, nhất là trong nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản do Ủy ban Châu Âu áp đặt, đó là vẫn còn tái diễn tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, dù tình trạng này đã giảm rõ rệt trong thời gian qua.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nguyên nhân khách quan là do nguồn lợi thủy sản ở vùng biển trong nước ngày càng suy giảm. Bên cạnh đó, trình độ, nhận thức và việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác hải sản của một số ngư dân còn nhiều hạn chế.
Cần khuyến khích ngư dân đánh bắt theo tổ, đội trên biển Ảnh: CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Nguyên nhân chủ quan là vì lợi ích kinh tế trước mắt, một số ngư dân, chủ tàu vẫn cố tình vi phạm vùng biển các nước để khai thác. Việc xử lý, giải quyết của chính quyền địa phương đối với các trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm còn thiếu kiên quyết, chưa có tính răn đe.
Hiện nay, các nước trong khu vực đã có nhiều biện pháp mới đối phó với nạn đánh cá bất hợp pháp. Lực lượng chấp pháp của các nước được trang bị hiện đại để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ. Các biện pháp xử lý tàu cá vi phạm cũng ngày một mạnh hơn. Như Indonesia, thuyền trưởng của các tàu vi phạm có thể bị phạt tù, tàu vi phạm bị tịch thu và có thể bị tiêu hủy… Từ năm 2015, Thái Lan thành lập một trung tâm chỉ huy chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Theo đó, thuyền trưởng tàu vi phạm có thể bị phạt giam, tàu cá vi phạm có thể bị tịch thu, chủ tàu cá vi phạm phải nộp phạt đến hàng trăm ngàn USD.
Trước tình hình đó, để bảo vệ ngư dân từ sớm, từ xa, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhóm giải pháp, không để xảy ra tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đối với ngư dân, thứ nhất là cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho họ. Khi hoạt động trên biển, ngư dân phải tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế; không tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, chất độc để khai thác hải sản trái phép; không khai thác hải sản có tính chất tận thu, hải sản thuộc danh mục cấm khai thác, đánh bắt.
Thứ hai, khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ để ngư dân vươn khơi, bám biển. Nhưng chúng ta cũng khuyến cáo ngư dân, khi hoạt động trên biển, phải nắm chắc phạm vi vùng biển và chỉ hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thứ ba, khuyến khích ngư dân đi theo tổ, đội với mỗi tổ, đội từ 3 đến 7 tàu. Các tàu cần được trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, mục đích để giám sát việc tuân thủ đánh bắt, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp tình huống trên biển.
Đối với lực lượng chấp pháp trên biển, cụ thể là lực lượng Cảnh sát biển, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, kịp thời có biện pháp bảo vệ ngư dân khi tranh chấp xảy ra. Lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành ven biển để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển.
Đồng thời, lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, nhất là các vùng biển xa, vùng biển giáp ranh với vùng biển nước ngoài và vùng biển nhạy cảm; qua đó kịp thời phát hiện, hỗ trợ, bảo vệ, giúp đỡ ngư dân khi gặp các tình huống trên biển. Đối với các vùng biển chồng lấn, vùng nước lịch sử, vùng biển nhạy cảm còn có tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, yêu cầu lực lượng chấp pháp các nước tuyệt đối không được kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân Việt Nam. Đặc biệt lên án và phản đối mạnh mẽ các hành động vô nhân đạo, đánh đập, sử dụng vũ khí uy hiếp, phá hủy hệ thống thông tin liên lạc trên các tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Lực lượng chấp pháp Việt Nam cần giữ vững mối quan hệ với các nước bạn thông qua các đường dây nóng với lực lượng chấp pháp các nước có vùng biển giáp ranh, kịp thời trao đổi thông tin, yêu cầu lực lượng chấp pháp nước ngoài không có hành động cản trở, kiểm soát, xua đuổi, đâm va, phá hoại tàu cá của Việt Nam khi đang hoạt động bình thường ở các ngư trường truyền thống; đề nghị các nước trong khu vực hỗ trợ khi ngư dân ta gặp các tình huống cần cứu hộ, cứu nạn và có chính sách nhân đạo khi ngư dân ta vi phạm vùng biển các nước trong khu vực để đánh bắt hải sản trái phép.
Tạo ngư trường rộng lớn cho ngư dân
Ngư dân có vai trò to lớn trong việc góp phần phát triển kinh tế và tăng cường sự hiện diện, khẳng định và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia.
Nhằm bảo vệ ngư dân, tạo điều kiện để ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển, nhà nước cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, tổ chức đàm phán với các nước trong khu vực để ký kết các hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam với các nước có vùng biển giáp ranh, vùng chồng lấn, vùng biển nhạy cảm chưa phân chia rõ ràng, tạo ngư trường rộng lớn, ổn định cho ngư dân ta khai thác hải sản.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo dự thi.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)