Trong những chuyến đến các vùng biển, ấn tượng nhất với tôi có lẽ là lần ghé thăm cảng cá Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) những ngày giữa tháng 5-2022. Trong khung cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, Cục Kiểm ngư phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Báo Người Lao Động tổ chức chương trình "Tuyên truyền biển đảo" và chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Ngay sau đó, Báo Người Lao Động đã mang 2.000 món quà đặc biệt, đó chính là những lá cờ đỏ sao vàng, trao tận tay cho những chủ tàu thuyền, ngư dân đánh bắt xa bờ.
Cầm trên tay lá cờ vừa được trao tặng, ông Võ Huy Cường (ngụ ấp Phước Thái, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) liền gắn lên nóc con tàu. Ông Cường bảo: "Tôi luôn treo cờ ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất để khi lênh đênh trên biển, nhìn thấy lá cờ như chúng ta nhìn thấy Tổ quốc".
Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động và thực hiện từ ngày 1-6-2019. Giai đoạn 2 của chương trình được khởi động từ tháng 9-2022 với tên gọi mới "Tự hào cờ Tổ quốc". Đến nay, 1.074.270 lá cờ Tổ quốc từ hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã được trao cho ngư dân 28 tỉnh, thành có biển. Phía sau chương trình ý nghĩa này là triệu tấm lòng của người dân hướng về ngư dân. Đó còn là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm động viên ngư dân vươn khơi bám biển, qua đó góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bà Rịa - Vũng Tàu được coi là thủ phủ đánh bắt thủy hải sản của vùng Đông Nam Bộ với gần 6.000 phương tiện nghề cá, trong đó 50% tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ với sản lượng trên 315.000 tấn/năm. Thời gian qua, các đơn vị lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương cũng thường xuyên triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hướng về ngư dân.
Lãnh đạo Báo Người Lao Động cùng các cấp lãnh đạo địa phương trao tặng cờ Tổ quốc từ chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” (nay là chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc”) cho ngư dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 9-2022Ảnh: LƯU VINH
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân tặng áo phao và hướng dẫn ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu các biện pháp phòng tránh tai nạn trên biểnẢnh: LƯU VINH
Lực lượng quân y kiểm tra sức khỏe cho ngư dân gặp nạn tại vùng biển Trường Sa Ảnh: LƯU VINH
Tại TP Vũng Tàu, mới đây, Ban Chỉ huy Quân sự TP Vũng Tàu phối hợp với Đồn Biên phòng Bến Đá tổ chức chương trình "Ăn sáng cùng ngư dân". Sau khi món cháo lòng, thịt bò ăn kèm rau, giá được dọn lên bàn ăn, ngư dân vừa ăn sáng vừa lắng nghe cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Đá phổ biến quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp; những giải pháp để bà con đồng hành với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, cho biết "Ăn sáng cùng ngư dân" được tổ chức định kỳ hằng quý nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa chính quyền và ngư dân; qua đó giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trên biển.
Những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bài Rịa - Vũng Tàu cũng đã phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh thành lập 100 "tổ tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển" với sự tham gia của hơn 2.000 phương tiện và 22.000 ngư dân. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân trong tổ tập hợp thành từng nhóm từ 5-10 tàu cùng đi. Sau khi đánh bắt từ 15-20 ngày, các tàu sẽ luân phiên chở hải sản vào bờ để tiêu thụ. Ngoài ra, tàu nào phát hiện vùng biển có nhiều cá sẽ nhanh chóng thông báo cho nhau tập trung khai thác và đánh bắt. Đi theo nhóm, ngư dân còn dễ bề ứng cứu, tương trợ khi gặp sự cố rủi ro.
Thực tiễn cho thấy cách tổ chức đánh bắt theo mô hình trên đã góp phần giảm thời gian di chuyển và tăng thời gian bám biển cho đội tàu, giảm lượng dầu tiêu hao từ 500-900 lít/tàu/chuyến, tăng chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác và tăng lợi nhuận từ 7%-10%.
Cũng phải kể đến các chương trình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" của Lực lượng Cảnh sát biển, chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển" của Lực lượng Hải quân… Với chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", các đơn vị thuộc Vùng 2 Hải quân thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp ngư dân chấp hành tốt quy định khai thác trên ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, toàn Vùng 2 đã thực hiện 46 buổi tuyên truyền với 133 giờ cho hơn 300 tàu cá và 32.056 ngư dân; phát 17.500 tờ rơi, tặng 8.000 cờ Tổ quốc, 1.550 áo phao, 2.500 khẩu trang y tế với tổng trị giá gần 2 tỉ đồng cho ngư dân.
Ngoài ra, công tác cứu hộ, cứu nạn cũng được các đơn vị quân đội hết sức chú trọng bằng cách chủ động xây dựng nghị quyết, kế hoạch về công tác phòng chống mưa bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển sát với tình hình thực tế của đơn vị, địa bàn quản lý; thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ luyện tập theo từng phương án, tình huống tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Theo đại tá Đỗ Hồng Duyên, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân, mỗi khi có thông tin ngư dân bị nạn, đơn vị lập tức xác định tọa độ nơi tàu gặp nạn, sự cố của tàu, nhiên liệu và lương thực thực phẩm trên tàu… để có biện pháp ứng cứu kịp thời, đồng thời giữ liên lạc với tàu thuyền gặp nạn để nắm bắt tình hình, động viên ngư dân trong thời gian chờ lực lượng đến ứng cứu.
Ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ là hành trình kiếm sống mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong tình hình mới hiện nay, vai trò của ngư dân trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền càng được Đảng, Nhà nước chú trọng.
Vì thế, cần nhiều hơn nữa những chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân", "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển"… để thực sự làm chỗ dựa, cổ vũ, động viên ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.
Bình luận (0)