Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông thường niên lần thứ 15 diễn ra tại TP HCM vừa khép lại nhưng được kỳ vọng mở ra một hướng mới, như chủ đề hội thảo đặt ra "Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh".
Tranh chấp ngày càng phức tạp
Hội thảo do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao Việt Nam) và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-10, thu hút 200 đại biểu tham dự trực tiếp và 250 đại biểu tham dự trực tuyến, trong đó có nhiều diễn giả, chuyên gia, học giả uy tín từ Mỹ, Anh, Úc, Trung Quốc…
Các chủ đề thảo luận bao gồm: Nhìn lại hành trình 15 năm hội thảo ra đời và phát triển; Cạnh tranh quyền lực toàn cầu, các vấn đề pháp lý; Vai trò của Cảnh sát biển trong thúc đẩy hợp tác; Một số vấn đề mới nổi như khoáng sản thiết yếu và chuyển đổi hóa năng lượng bền vững. Ngoài ra, hội thảo cũng giúp xây dựng nền tảng thảo luận để thế hệ trẻ có thể đóng góp tiếng nói của mình, đưa ra các giải pháp giúp thúc đẩy hòa bình ở biển Đông.
Hàng loạt học giả hàng đầu thế giới đã chia sẻ ý kiến tại hội thảo, trong đó có GS Carl Thayer đến từ Đại học New South Wales (Úc); TS Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - Đông Nam Á; GS Robert Beckman thuộc Trung tâm Luật quốc tế - Đại học Quốc gia Singapore; chuyên gia Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ); TS Sarah Kirchberger, Giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Chính sách an ninh của Đại học Kiel (Đức)…
Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông kỳ vọng sẽ “thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh”
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh biển Đông đối mặt những mối đe dọa phức tạp và mơ hồ chưa từng có trước đó. Trong bài tham luận khái quát diễn biến tình hình biển Đông 15 năm qua của mình, TS Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng tranh chấp trên biển Đông đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều, ngày càng mở rộng với nhiều lớp sự kiện, nhiều chủ thể và nhiều lĩnh vực.
Các tranh chấp cũng trở nên đa phương hóa, trong đó Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn đóng vai trò trung tâm trong việc tìm ra giải pháp, tiếng nói chung về nhiều vấn đề, nhất là giải quyết bất đồng trên biển. TS Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh: "Vấn đề biển Đông đã được thảo luận ngay cả tại các diễn đàn như G7, G20 hay Liên Hiệp Quốc, vì vậy rõ ràng quốc tế và toàn cầu đang quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp về mặt địa chính trị hoặc địa chiến lược như thế nào".
Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng lưu ý rằng nhiều thực thể trên biển Đông đã được quân sự hóa nhiều hơn trước, với hàng loạt công trình quân sự cũng như các vũ khí, khí tài đã được triển khai. Từ đó, vấn đề biển Đông cũng đã hình thành một tranh chấp phức tạp mới, không chỉ là tranh chấp đơn thuần trên mặt biển mà đã bước sang tranh chấp trong lĩnh vực tàu ngầm, trên không, trong vũ trụ, gần đây là đáy biển và nhiều tài nguyên trên đáy biển. Với sự phát triển của internet và kinh tế số, việc tranh chấp kiểm soát các vùng đáy biển, nơi có nhiều cáp ngầm internet chạy qua, cũng là một lĩnh vực mới nảy sinh.
Để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, nhiều diễn giả nhìn nhận công nghệ trở thành một phần quan trọng. Cụ thể, công nghệ viễn thám, các phương tiện không người lái, máy bay không người lái… giúp cho việc kiểm soát tranh chấp minh bạch hơn. Kèm theo đó, nhiều sáng kiến minh bạch và hệ thống nhận thức về lĩnh vực hàng hải đang "làm sáng tỏ và cố gắng minh bạch hóa" các vấn đề hàng hải và môi trường biển.
Một diễn biến tích cực khác là hiện nay, luật pháp ở biển Đông đã rõ ràng hơn rất nhiều và nói như TS Nguyễn Hùng Sơn: "Chúng ta hiểu rõ hơn nhiều về các quy tắc điều chỉnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như cách thức áp dụng và lồng ghép nó; đồng thời cũng hiểu rõ hơn nhiều về các quy tắc điều chỉnh của UNCLOS". Thêm nữa, nhiều quốc gia cũng đã thể hiện quan điểm rõ ràng hơn đối với các yêu sách trên biển Đông. Bằng chứng là các yêu sách chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia hay giữa Indonesia và Malaysia đã được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế.
Phải là vùng biển của hợp tác và thịnh vượng
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tranh chấp ở biển Đông thời gian qua không những không được cải thiện mà còn có phần diễn biến căng thẳng hơn trước.
Ngay khi hội thảo đang diễn ra thì những sự căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi Cỏ Mây vẫn chưa giảm nhiệt. Sức nóng của diễn biến trên thực địa đã làm tăng nhiệt không khí tranh luận tại hội thảo. Các đại biểu quan trọng từ Philippines như GS Batongbacal, Thiếu tướng Jay Tarriela - người phát ngôn lực lượng Cảnh sát biển Philippines - đều tham dự từ xa chứ không trực tiếp đến hội thảo với lý do đang sẵn sàng trực chiến, đối mặt với các tình huống căng thẳng trên biển Đông. Hai ông Batongbacal và Jay Tarriela đã liên tục thẳng thắn tố cáo các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, hung hăng của Trung Quốc trong diễn biến trên biển Đông gần đây, từ sự kiện Bãi Cỏ Mây cho đến bãi cạn Scarborough. Lẽ dĩ nhiên, chuyên gia Chu Ba từ Trung Quốc "không ngồi yên", dùng lời lẽ để đáp trả. Nó cho thấy những bất đồng rất khó giải quyết nếu thiếu sự thúc đẩy lòng tin, hợp tác của các bên trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Các học giả và các đại biểu còn bàn luận nhiều về "chiến thuật vùng xám" tại khu vực biển Đông, cho rằng các hoạt động "vùng xám" nếu không được xử lý đúng cách có thể làm u ám triển vọng hợp tác, hòa bình, ổn định ở biển Đông và trong khu vực nói chung.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng đã đưa ra nhận xét này trong bài phát biểu khai mạc hội thảo của mình, nhấn mạnh các hoạt động "vùng xám" làm xói mòn luật pháp quốc tế. Từ đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng nhu cầu bảo đảm biển Đông là vùng biển của hợp tác và thịnh vượng phải là mối quan tâm chung hàng đầu.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam kỳ vọng các bên cần thúc đẩy lòng tin, hợp tác giải quyết bất đồng vì hòa bình, ổn định trên biển Đông như tinh thần của chủ đề hội thảo "Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh". "Đây là khu vực có nhiều cơ hội hợp tác to lớn, từ việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, sử dụng bền vững các khoáng sản chiến lược đến quản lý cơ sở hạ tầng quan trọng; từ sử dụng các công nghệ mới, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đến xây dựng các khuôn khổ và quy tắc mới cho các lĩnh vực mới" - Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt gợi mở.
Giới quan sát nhìn nhận những sáng kiến, nỗ lực này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trên biển, giúp biến màu chủ đạo của biển Đông từ xám sang xanh, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, việc tôn trọng và duy trì Luật Biển quốc tế như đã được cụ thể hóa trong UNCLOS là rất quan trọng. UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý, trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện. Nó có tầm quan trọng chiến lược, là cơ sở cho hợp tác hàng hải quốc gia, khu vực và toàn cầu do đó tính toàn vẹn của nó cần được duy trì.
Với những thông điệp đưa ra của nước chủ nhà, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định: "Việt Nam tiếp tục là quốc gia có niềm tin mạnh mẽ vào thượng tôn luật pháp quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ UNCLOS. Việt Nam tiếp tục tin tưởng vào vai trò không thể thiếu của UNCLOS, như được nêu rõ tại nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và chúng tôi cam kết mạnh mẽ duy trì UNCLOS và luật pháp quốc tế".
Trung Quốc muốn gì với đường mười đoạn?
Đáng chú ý là tại hội thảo này, TS Ngô Sĩ Tồn đến từ Trung Quốc cũng nhận được rất nhiều câu hỏi và bình luận của các đại biểu về nhiều vấn đề liên quan, như tại sao Trung Quốc không làm rõ bản chất pháp lý của đường chín đoạn? Hay với bản đồ tiêu chuẩn mới với đường mười đoạn thì Trung Quốc muốn có điều gì ở đây?...
EU ủng hộ tiến trình đàm phán do ASEAN dẫn đầu
Trong bài phát biểu quan trọng qua trực tuyến, quyền Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) Paola Pampaloni cho biết hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với EU (Liên minh châu Âu).
Bà khẳng định EU phản đối mạnh mẽ mọi hành động làm gia tăng căng thẳng và phá hoại trật tự dựa trên luật lệ; đồng thời khẳng định UNCLOS là "ánh sáng dẫn đường" và là kim chỉ nam để giải quyết tranh chấp, giữ vững hòa bình trong khu vực. Ngoài ra, EU ủng hộ tiến trình đàm phán do ASEAN dẫn đầu hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý, tôn trọng lợi ích của bên thứ ba và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quan chức này cũng tái khẳng định EU tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương hiệu quả và vai trò trung tâm của ASEAN.
Bình luận (0)