Chuyến hải trình mang nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP HCM đến với quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/14 vừa kết thúc cuối tháng 4-2023, để lại nhiều cảm xúc cho các thành viên đoàn công tác. Trên chuyến hải trình này, có 3 vị khách khá đặc biệt, đó là cha của các chiến sĩ…
Gặp con dưới bóng cờ Tổ quốc
Trên hành trình đi qua, đảo Sinh Tồn hiện ra trước mắt chúng tôi bề thế, xinh đẹp với màu xanh cây cối nối liền trời, biển. Trước cột mốc chủ quyền thiêng liêng, lễ chào cờ diễn ra trang nghiêm, xúc động. Hướng về Quốc kỳ, 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên dõng dạc: "Xin thề, xin thề, xin thề!". Trong giây phút thiêng liêng ấy, ông Nguyễn Văn Bình (quận 11, TP HCM) chăm chú nhìn về trung sĩ Nguyễn Nhật Minh (22 tuổi; thuộc Khẩu đội phòng không) đầy tự hào.
Khi vừa đặt chân lên đảo, ông Bình bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ đón đoàn ở cầu tàu, sốt ruột hỏi thăm: "Con trai tôi là Nguyễn Nhật Minh, đang làm nhiệm vụ ở đây. Tôi được gặp con chưa đồng chí?". Một chiến sĩ "trấn an": "Chú cứ bình tĩnh, Minh và đồng đội đang đợi đoàn trong sân chào cờ". Sắp được gặp con, ông Bình vui ra mặt, bao nhiêu mệt mỏi của chuyến hải trình qua hơn mấy trăm hải lý tan biến.
Nhìn thấy cha, chiến sĩ Minh lao đến, ôm trọn ông vào lòng. Người cha vỡ òa hạnh phúc bởi đây là lần đầu con chủ động ôm ông. Cái ôm của một người con đã trưởng thành ở nơi đầu sóng ngọn gió. Những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên đôi gò má sạm đen màu sương gió của cha và của con.
Trước khi nhập ngũ, Minh là sinh viên năm thứ hai của Khoa Công nghệ cơ khí - Trường Đại học Công nghiệp TP HCM. Từ một thanh niên thành phố, nay Minh đã thích nghi rất tốt với môi trường quân ngũ, với nắng gió Trường Sa. Ngồi bên cha, Minh tíu tít đủ chuyện ở đảo, từ chuyện không có giếng nước ngọt nhưng quân, dân vẫn trồng được cây xanh đến chuyện ở đảo không internet, không wifi nhưng vui lắm vì có sách, có tivi, có cả karaoke kỹ thuật số… Chàng lính trẻ còn khoe với cha, sau 6 tháng nhận nhiệm vụ, sức khỏe tốt hơn nhờ chăm chỉ rèn luyện thể lực để phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. "Cha nhớ dặn mẹ và chị giữ gìn sức khỏe, đợi con về. Sau này, con sẽ là trụ cột gia đình!" - Minh nhắn nhủ với cha.
Một cuộc hội ngộ khác là của cha con ông Huỳnh Mạnh Hùng (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) và chiến sĩ Huỳnh Nhật Quang (22 tuổi). Trông thấy bóng dáng của cha từ xa, Quang đã chạy đến nắm chặt tay ông. "Cháu bảo ở đây mọi chiến sĩ được cấp trên, đồng đội đều quý nên tôi vui lắm. Tôi cũng rất tự hào khi nghe cháu tâm sự dù ở đảo nắng gió khắc nghiệt, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không làm giảm đi nhiệt huyết của người lính" - ông Hùng kể lại cuộc trùng phùng của hai cha con, rồi nhờ phóng viên chụp tấm ảnh Quang đang khoác trên mình bộ quân phục hải quân. Ông Hùng nói sẽ mang ảnh về khoe với chòm xóm, rằng: "Thằng Hai nhà tôi giờ lớn lắm rồi nè!".
Ông Nguyễn Văn Bình bá vai con trai - trung sĩ Nguyễn Nhật Minh (bìa trái) cùng đồng đội của con
Ông Đặng Tài Nguyên trong niềm vui hội ngộ với con trai - chiến sĩ Đặng Anh Tuấn - trên đảo Trường Sa Lớn
Can trường nơi ngọn sóng
Chứng kiến giây phút gặp gỡ quý giá của những người cha cùng có con làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn, ông Đặng Tài Nguyên (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) càng thêm sốt ruột. Con trai ông - chiến sĩ Đặng Anh Tuấn (thuộc Khẩu đội phòng không), đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn.
Ở tuổi 24 - độ tuổi đẹp đẽ để nói về ước mơ, khát vọng, Tuấn xung phong ra đảo và được phân công nhiệm vụ tại Trường Sa Lớn. Tuấn bảo: "Thời gian đầu được huấn luyện ở Cam Ranh, em mắc COVID-19 nhưng không dám nói với ba mẹ. Em đã chiến thắng COVID-19 nhờ sự quan tâm, chăm sóc từ cấp trên và đồng đội. Chưa hết 3 tháng quân trường, em viết đơn xung phong ra đảo và giờ giấc mơ khoác áo lính ở Trường Sa đã thành hiện thực".
Gặp nhau giữa đảo Trường Sa Lớn, ông Nguyên và con trai tâm sự rất nhiều. Tuấn kể cho cha nghe chuyện kỷ cương quân ngũ, về những trưa nắng bỏng rát da nhưng đôi mắt "canh trời" của lính đảo vẫn hiên ngang hướng về phía trước… Câu chuyện đang vui thì tâm trạng của chàng lính trẻ bỗng chùng xuống khi nhắc đến ông ngoại.
Sau ngày Tuấn nhập ngũ, gia đình phát hiện ông ngoại của anh bị ung thư đại tràng. Ca phẫu thuật điều trị đầu tiên vừa xong khi không có Tuấn lẫn cha Tuấn bên cạnh. "Chắc ngoại rất nhớ em nhưng em tin ngoại cũng tự hào vì em đang đóng góp một phần sức trẻ vào nhiệm vụ chung của đất nước. Em tin ngoại sẽ hiểu hơn ai hết vì ngoại cũng từng là người lính Cụ Hồ" - Tuấn bộc bạch.
Nhìn vào đôi mắt sáng, gương mặt sạm nắng của con trai, ông Nguyên vỗ vai, căn dặn: "Con trai phải có chí lớn, phải biết cống hiến cho đất nước, chứ không ngại khó, ngại khổ". Cảm xúc tự hào dâng trào qua từng lời căn dặn của người cha.
Đến Nhà giàn DK1/14 (bãi Tư Chính) - điểm đến cuối cùng trong hành trình của đoàn công tác, chúng tôi được các cán bộ, chiến sĩ ra đón vào nhà giàn, trong đó có trung sĩ Phạm Minh Thuần (23 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM). Phải đến tận nơi đây mới biết sự khổ luyện của các chiến sĩ như thế nào! Tôi hỏi: "Ở nơi mà cúi xuống hay ngước lên cũng chỉ có một màu xanh của biển, của trời, không chỉ chật hẹp, chồn chân mà hiểm nguy luôn rình rập, em sợ nhất điều gì?". Thuần khẽ đáp: "Tụi em không sợ gì đâu. Ở đây có cấp trên, có đồng đội sát cánh. Có chăng là nỗi buồn nếu đến ngày phải chia tay nơi này để về đất liền!".
Có lẽ tình yêu biển đảo, lý tưởng cao đẹp, kỷ luật quân ngũ đã tôi luyện thêm sự can trường của người lính ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Trên các đảo, điểm đảo ở Trường Sa, các nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam mà đoàn ghé thăm, chúng tôi tận mắt chứng kiến các chiến sĩ luôn hăng say huấn luyện, sẵn sàng tinh thần chiến đấu, thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Và trong số đó có rất nhiều chiến sĩ trẻ ở TP HCM, đã xung phong ra biên cương hải đảo, cùng đồng đội kết nên sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Họ còn là những đại diện đẹp đẽ của tinh thần "Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc".
Mong nhiều những cái ôm lạ mà... thương
Không có cha mẹ đến thăm nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, Nhà giàn DK1/14 xúc động khi nhận được những cái ôm đầy thương quý từ những người con ở thành phố mang tên Bác. Xúc động hơn, khi Trung tướng Nguyễn Văn Bổng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân - cho phép đề xuất những kiến nghị hỗ trợ, thiếu tá Lã Quang Dân - chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/14, chỉ tha thiết mong sẽ có nhiều hơn nữa những cái ôm dù lạ mà thương từ các chuyến hải trình nghĩa tình của hậu phương đất liền.
Thiếu tá Lã Quang Dân bày tỏ: "Cho chúng tôi được gửi về đất liền những tình cảm thân thương nhất. Đất liền luôn trong tim chúng tôi. Chúng tôi xin hứa sẽ không quản ngại hy sinh, gian khổ, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng, Vùng 2 và nhân dân giao phó".
Bình luận (0)